Theo thông báo từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Lê Minh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat (DFF: UPCOM) vừa bị bán giải chấp 10.000 cổ phiếu DFF trong ngày 25/7.
Sau giao dịch, vị doanh nhân giảm số lượng sở hữu từ 37,98 triệu đơn vị xuống còn 37,97 triệu đơn vị (tương đương 47,47% vốn điều lệ).
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay ông Lê Duy Hưng bị bán giải chấp cổ phiếu DFF.
Trước đó, vào ngày 2/5, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã rao bán 40,08 triệu cổ phiếu DFF theo phương thức khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận. Đây là số cổ phiếu được lãnh đạo Tập đoàn Đua Fat cùng người thân dùng làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu DFFH2123001 do Đua Fat phát hành.
Trong số 40,08 triệu cổ phiếu DFF được BVSC bán ra, có 28,2 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Đua Fat Lê Duy Hưng, 6,8 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Lê Văn Thịnh (em ông Hưng) và 5,08 triệu cổ phiếu do bà Trần Hồng Nhung (vợ ông Hưng) sở hữu.
Gia đình Chủ tịch Đua Fat bị bán giải chấp cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu DFF đã giảm 24 phiên liên tiếp, với hàng chục phiên giảm sàn. Kể từ đầu tháng 7 cho đến này, thị giá của DFF đã giảm 46%.
Ông Lê Duy Hưng sinh năm 1979, ông từng theo học chuyên ngành Khoan, khoa dầu khí của trường Đại học Mỏ địa chất. Trước khi thành lập và lãnh đạo Tập đoàn Đua Fat năm 2009, ông từng là đội trưởng thi công tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật Nền móng và Xây dựng 20 (Licogi 20) từ năm 2002 đến năm 2009.
Tập đoàn Đua Fat hoạt động chính trong lĩnh vực san lấp mặt bằng, xử lý nền móng công trình, phá dỡ các kết cấu công trình và cấu kiện xây dựng… Doanh nghiệp này bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên UPCoM vào giữa năm 2021. Vào tháng 3/2022, Đua Fat đã tăng vốn gấp đôi từ 400 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng
Về tình hình tài chính, tính đến cuối quý II/2024, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Đua Fat ở mức 3.248 tỷ đồng (tương ứng 82,7%), gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Tính riêng các khoản nợ vay tài chính của công ty ở mức gần 2.300 tỷ đồng.
Ngoài ra Tập đoàn Đua Fat đang ghi nhận khoản vay 980 tỷ đồng tại Ngân hàng SHB - Chi nhánh Thăng Long, khoản vay 334 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Tây Hồ, khoản vay 160,8 tỷ đồng tại Ngân hàng TPBank - Chi nhánh Sơn Tây… Đây là các khoản vay đều có tài sản bảo đảm như bất động sản, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thi công, máy móc thiết bị...
Vietnamfinance
In bài viết