Bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Bảo Minh cho biết doanh thu mỗi năm của Công ty Lê Bảo Minh từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng của công ty đạt 30%/năm, lãi ròng trung bình 2%/năm. Công ty có quan hệ tín dụng lâu năm với Sacombank. Tăng trưởng tốt vậy nhưng theo bà Hải, tài sản sinh ra không kịp để đáp ứng nhu cầu vay thế chấp. Vì thế, những DN làm ăn tốt từ trước đến nay đều có các khoản vay tín chấp. Chỉ có điều, lãi suất cho vay tín chấp áp dụng cho mỗi DN khác nhau, tùy thời điểm và tùy mức độ tín nhiệm của DN.
"Gần 20 năm hoạt động, công ty đều vay song song hai hình thức thế chấp và tín chấp. Vấn đề của mỗi DN là làm sao điều chỉnh được những khoản vay tín chấp đó phù hợp với kế hoạch kinh doanh. Biết vay tín chấp lãi suất cao nên chúng tôi cập nhật lãi suất hàng tuần. Nếu cảm thấy lãi vay tăng cao gây áp lực lên lợi nhuận thì ngay lập tức chúng tôi chủ động thanh lý hợp đồng sớm, chờ lãi suất mới thấp hơn rồi mới vay lại. Ngân hàng sẽ không tính phí phạt trả trước mà còn hỗ trợ những khoản vay mới lãi suất thấp hơn. Cả DN và ngân hàng đều biết tự linh động thì sẽ không có rào cản nào", bà Hải cho biết.
Như vậy có thể thấy các ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp với những DN làm ăn tốt, thậm chí còn giải ngân rất nhiều đối với những DN có tiềm lực vững, có uy tín… thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên với những doanh nghiệp không có nền tảng kinh doanh vững và khả năng trả nợ không có thì ngược lại.
Việc cho vay tín chấp không tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc thẩm định, nhưng điều đó không có nghĩa là ngân hàng không thể cho vay tín chấp. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ riêng chương trình kết nối ngân hàng với DN, tính đến ngày 10/7 lượng vốn mà các ngân hàng cho DN vay không tài sản đảm bảo chiếm khoảng 17 - 18% trên tổng dư nợ, vào khoảng 15.670 tỷ đồng. Theo ông Minh, dự kiến đến cuối năm nay, chương trình tín dụng này sẽ đạt khoảng 27.000 - 28.000 tỷ đồng dư nợ.
Các ngân hàng thương mại cũng tích cực cho vay tín chấp. Chẳng hạn, HDBank dành 500 tỷ đồng cho vay tín chấp đối với các DN FDI có nhu cầu vốn để sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mua nguyên vật liệu… Lãi suất trong 6 tháng đầu tiên là 12%/năm đối với loại tiền vay vay bằng VND và 5%/năm đối với loại tiền vay bằng USD. Hay tại Sacombank, ACB, Eximbank, OCB... đều có hình thức vay tín chấp bằng dòng tiền, cho vay theo hợp đồng cung ứng…
Các ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp
Doanh nghiệp có đủ khả năng
Nếu doanh nghiệp tốt, dự án khả thi, lãi suất cho vay sẽ được ngân hàng cân nhắc, kể cả với khoản tín dụng tín chấp. Còn nếu khoản vay có rủi ro, trước khi trao vốn cho khách hàng, ngân hàng cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và nếu đồng ý trao vốn, lãi suất sẽ cao hơn. Trên thực tế, để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, các doanh nghiệp phải có sức khỏe tốt và dự án khả thi và khả năng trả nợ đảm bảo. Đó cũng là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Vì thế, các doanh nghiệp nhất thiết phải minh bạch về tài chính, chiến lược kinh doanh rõ ràng, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam khẳng định, việc tăng cho vay tín chấp phù hợp với thời điểm hiện tại. Hiện nay, ANZ chỉ dựa trên việc DN đó có khả năng trả nợ hay không chứ không dựa chủ yếu trên tài sản đảm bảo. Với một số đơn vị, khi ANZ đánh giá khả năng trả nợ cao thì sẽ giải ngân ngay lập tức. "Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, đối với ngân hàng, việc tăng cho vay tín chấp lúc này không phải điều dễ dàng. Nhưng điều quan trọng là ngân hàng có người đủ giỏi để thẩm định hay không?", Tổng giám đốc ANZ cho biết.
Tuy nhiên, ông Tareq cũng thừa nhận, tín dụng tín chấp có rủi ro cao hơn so với cho vay thế chấp. Vì thế, các ngân hàng phải có đội ngũ nhân viên tín dụng đủ giỏi, nhìn thấy những rủi ro trước mắt để đưa ra cảnh báo trước khi quyết định trao vốn cho khách hàng.
"Rủi ro trong hoạt động tín dụng luôn có, nhất là với tín dụng tín chấp. Điều quan trọng là việc đảm bảo từ phía khách hàng, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với khoản vay. Vì nếu nợ xấu tăng, doanh nghiệp phá sản sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người", ông Tareq chia sẻ thêm.
Theo ông, DN phải đảm bảo được khả năng trả nợ thì mới nên vay, bởi khi cho vay tín chấp thì TCTD đánh giá mức độ rủi ro của DN thông qua lãi suất, nếu DN có tiềm lực yếu thì lãi suất cao và ngược lại. Như vậy, DN phải suy nghĩ nếu không đủ khả năng trả nợ thì trước hết họ đã đẩy công ty của họ trước rủi ro tài chính. Cuối cùng, chính DN sẽ phải phá sản nếu không có khả năng trả nợ…
Vấn đề với các ngân hàng là có đủ năng lực để xem xét những khoản nợ DN họ đang có, điều kiện kinh tế thị trường, khả năng vay thêm vốn không có tài sản đảm bảo… Thậm chí, các cán bộ trong các TCTD có đủ năng lực thẩm định dự án, xem xét khả năng tài chính của DN để nhìn thấy khả năng trả nợ của khoản đề nghị xin vay hay không? Vì đã từng có một số ngân hàng yếu, không có đội ngũ nhân sự đủ kinh nghiệm đã phải nhận rủi ro sau khi cho vay tín chấp.
Theo lãnh đạo các ngân hàng ngoại, để có thể đẩy mạnh cho vay tín chấp, điều quan trọng là ngân hàng cần hiểu rõ thêm về hoạt động của doanh nghiệp, về dòng tiền, cách quản trị của doanh nghiệp mang tính chất ổn định hay không để tăng cho vay (kể cả tín chấp và thế chấp). Chẳng hạn, đối với tài sản thế chấp là hàng tồn kho, ngân hàng phải cử nhân viên giám sát thường xuyên và xem lưu chuyển hàng tồn kho thế nào. Vì vậy, yếu tố cần thiết chính là phải đào tạo được đội ngũ cán bộ tín dụng chuyên nghiệp, để có thể theo sát được hoạt động của khách hàng khi ngân hàng quyết định trao vốn, hạn chế nguy cơ nợ xấu. Đáng chú ý là trước tình hình khó khăn hiện nay, hoạt động của doanh nghiệp bị tác động, việc kiểm soát rủi ro nợ xấu đòi hỏi kỹ lưỡng hơn. Đó cũng là lý do để các lãnh đạo ngân hàng đưa ra nhận định, khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ khó đạt mục tiêu kỳ vọng.
Quốc Hưng (Tổng hợp)