Cho vay tiêu dùng, lối thoát cho tín dụng ngân hàng

(Kinhdoanhnet) - Công ty Truyền thông tài chính StoxPlus cho biết, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam năm 2013 tăng trưởng 12%.

Định hướng phát triển thời gian tới

Trong hoàn cảnh tín dụng tăng trưởng ì ạch, các ngân hàng tập trung vào cho vay tiêu dùng. Báo cáo khảo sát ngân hàng do Công ty Kiểm toán EY cũng phản ánh điều đó, lĩnh vực lạc quan nhất với các ngân hàng Việt Nam hiện là bán lẻ, cho vay tiêu dùng.

Việt Nam với dân số trên 90 triệu người, sức chi tiêu khá mạnh đang là thị trường hấp dẫn với các ngân hàng và công ty cho vay tiêu dùng. Ông Friedrich Weiss, Chủ tịch Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam cho rằng, tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Công ty Truyền thông tài chính StoxPlus cho biết, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam năm 2013 tăng trưởng 12%.

Nhìn thấy lợi ích của cho vay tiêu dùng, các ngân hàng ồ ạt thâu tóm công ty tài chính để phát triển mảng bán lẻ thời gian qua. Cụ thể, quý II/2014, MaritimeBank mua lại 64,1% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại Công ty Tài chính dệt may. Mới đây nhất, VPBank đã mua lại 100% vốn Công ty TNHH một thành viên Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam. Ngân hàng HDBank cũng đã mua trọn 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), một trong những công ty tài chính nước ngoài lớn nhất Việt Nam thuộc tập đoàn tài chính Société Générale của Pháp…

Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều phát triển mảng bán lẻ và cho đây là chiến lược chính trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách dịch vụ tài chính, ngân hàng của EY khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kết quả khảo sát của EY cho thấy, các ngân hàng Việt Nam không chiếm được thị phần tuyệt đối về mảng bán lẻ.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, ngân hàng tập trung phát triển bán lẻ nhưng không quá chú trọng cho vay tiêu dùng. Vì cho vay tiêu dùng muốn phát triển nhanh, phải cho vay tín chấp, nghĩa là phải có đội ngũ nhân viên lớn, chuyên nghiệp và có hệ thống quản lý rủi ro tốt nếu không nợ xấu sẽ tăng chóng mặt.

Cho vay tiêu dùng, lối thoát cho tín dụng ngân hàng - Ảnh 1

Ngân hàng nội cần thời gian

Trước làn sóng ngân hàng ồ ạt thâu tóm các công ty tài chính để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, ông Friedrich Weiss cho rằng, không phải bỏ tiền mua công ty tài chính là ngân hàng có thể phát triển mảng bán lẻ.

Ông Friedrich Weiss cho biết: "Tôi không sợ cạnh tranh với các đối thủ, vì tôi chứng kiến ở châu Âu cách đây nhiều năm, các ngân hàng nhảy vào cho vay tiêu dùng, nhưng vài ba năm sau họ đã thất bại, bởi chúng tôi có 2 cốt lõi mà các ngân hàng khác rất khó bắt chước. Thứ nhất, hệ thống thẩm định cho vay, hệ thống kỹ thuật đòi nợ, duyệt hồ sơ vay hoàn toàn tự động. Thứ hai, cách thức quản trị rủi ro của công ty cho vay tiêu dùng không giống ngân hàng. Chúng tôi đã có lịch sử 20 năm xây dựng các hệ thống trên. Ngân hàng muốn phát triển như chúng tôi sẽ phải mất 5 - 6 năm, chứ không phải cứ nhảy vào thị trường là được"

Trở lại với Việt Nam, ngân hàng Việt Nam phát triển chậm hơn 40 năm so với các ngân hàng thế giới, thiếu rất nhiều sản phẩm cơ bản. Vị doanh nhân này cũng cho rằng, các đối thủ đáng nói trên thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay chỉ có VPBank, HDBank, các đối thủ còn lại phần lớn đều không mạnh về cho vay tiêu dùng.

Quả thực, các ngân hàng cũng đang loay hoay với định hướng bán lẻ của mình trong thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay. Việc lựa chọn mô hình bán lẻ nào cho phù hợp đang là bài toán khó với nhiều ngân hàng. Mặc dù vậy, vẫn có những ngân

Tiêu biểu như TPBank đã xác định hướng chiến lược là ngân hàng bán lẻ dựa trên nền công nghệ, Internet, TPBank đã phát triển nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng dựa trên nền công nghệ hiện đại, Internet.

Nhờ vậy, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm nay của TPBank đạt 263 tỷ đồng, tương đương 120% so với kế hoạch đề ra và đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức 8,8%; trong đó dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%.

OceanBank xác định ngân hàng bán lẻ là một hướng đi bền vững, lãnh đạo ngân hàng đã tìm cho mình một hướng phát triển hiệu quả nhất với năng lực hiện tại của mình.

Theo đó, một loạt sản phẩm đã được tung ra như: Tiết kiệm gửi góp Tích lũy an cư, Yêu thương cho con, Siêu linh hoạt, Gửi 1 tỷ tặng 1 chỉ vàng; 500 nghìn khách hàng, 500 triệu hân hoan… Những sản phẩm này đã đem về cho OceanBank sự tăng trưởng lớn mạnh trong huy động dân cư, với việc tăng trưởng gần 90% so với thời điểm bắt đầu chuyển đổi. Tính đến 30/6/2014, tổng huy động của OceanBank đạt 63.630 tỷ đồng, đạt gần 103% so với năm 2013 và vượt kế hoạch ngân hàng đặt ra cho cả năm 2014.

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục