Mới đây, CTCP tập đoàn Masan (Mã CK; MSN) đã công bố BCTC hợp nhất Quý III/2018 với kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán thành phẩm của Masan Group đạt 27.489 tỷ đồng, giảm 3,3%. Sau khi trừ đi phần chiết khấu và hàng bán bị trả lại, doanh thu thuần còn lại 26.629 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu là do giảm doanh thu MNS bởi khủng hoảng giá heo.
Mặc dù doanh thu bán hàng có phần giảm sút nhưng hoạt động tài chính của Masan Group lại tăng mạnh gấp 4,9 lần khi mang về 1.758 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, phần lớn là thu nhập từ việc phát hành lại cổ phiếu quỹ của một công ty liên kết và doanh thu khác, với 1.517 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng thu được khoản lãi từ các công ty liên kết số tiền 1.429 tỷ đồng, tương đương mức tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, Tập đoàn cũng tích cực cắt giảm các loại chi phí như: chi phí tài chính giảm 8,1% xuống còn 2.412 tỷ đồng, chi phí bán hàng 2.909 tỷ đồng, giảm 27,7%, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp được kiểm soát ở mức 1.383 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Masan ghi nhận 4.804 tỷ đồng và 4.336 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,67 lần và 2,95 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn BCTC hợp nhất Quý III/2018 Masan Group
Tính đến ngày 30/9/2018, Masan có tổng tài sản đạt mức 64.815 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 13% lên mức 4.913 tỷ đồng, đồng thời nợ phải trả, giảm xuống còn 42.542 tỷ đồng, gấp 1,91 lần vốn chủ sở hữu.
Mặc dù vậy, Masan cho biết sẽ giảm chi phí lãi vay khoảng 1.000 tỷ đồng một năm bắt đầu từ Quý IV/2018. Tổng nợ/EBTDA dự tính sẽ giảm xuống còn 2.5x vào cuối năm 2018 nhờ vào kế hoạch trả nợ hơn 11,000 tỷ đồng vào Quý IV/2018.
Việc tăng cường trả nợ vay là một phần kế hoạch của Công ty nhằm mục tiêu trong 12 tháng nữa đạt đánh giá tín nhiệm bằng mức đánh giá tín nhiệm của Việt Nam là BB-.
Với những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Masan Group cho biết, Masan tiếp tục thực thi kế hoạch tăng trưởng trong trung hạn. Nhờ chiến lược “cao cấp hóa” và mở rộng ngành hàng đồ uống giúp cho Masan Consumer tăng trưởng gấp 2-3 lần mức tăng trưởng trung bình của ngành FMCG trong các năm tới. Việc Masan Resources mua lại nhà máy chế biến hóa chất vonfram công nghệ cao là bước đi chiến lược giúp Công ty có thể tạo ra dòng tiền vững mạnh cũng như hiện thực hóa kế hoạch tăng công suất lên gấp đôi để mở rộng thị phần vonfram ngoài Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mô hình tập trung vào dịch vụ khách hàng và đầu tư vào công nghệ cao đã giúp Techcombank trở thành ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thị trường. Techcombank sẽ duy trì vị thế này bằng mô hình ưu tiên nguồn thu nhập từ các hoạt động dịch vụ khách hàng thay vì thu nhập từ lãi vay.
Dù đạt được tăng trưởng vượt trội nhưng không phải mọi thứ đều tiến triển tốt như kế hoạch. Masan Nutri-Science vẫn bị ảnh hưởng nặng do khủng hoảng giá heo. Thị trường thức ăn chăn nuôi dù đang hồi phục nhưng Masan đặt niềm tin lớn vào chiến lược chuyển đổi thành công ty kinh doanh thịt tươi sống hàng đầu, chứ không chỉ đơn thuần là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Lứa heo đầu tiên từ trang trại nuôi heo kỹ thuật cao tại Nghệ An đã xuất chuồng với kết quả rất khả quan, nhưng Masan Nutri-Science sẽ dừng bán heo hơi vào năm 2019 vì công ty này sẽ tập trung vào việc tung ra sản phẩm thịt có thương hiệu phục vụ người tiêu dùng.
Do vậy, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang tin rằng kết quả kinh doanh năm 2018 của Masan Group sẽ rất ấn tượng và đây sẽ là nền tảng giúp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đạt hai con số cho năm 2019 cũng như các năm tiếp theo của Tập đoàn.
Ánh Phượng