"Lục địa già" đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi mà đồng tiền chung chỉ mới ra đời được 15 năm. Nhà kinh tế học Nadia Gharbi của Ngân hàng Pictet (Thụy Sĩ) nhận định năm 2017, nguyên nhân tác động chính đến Eurozone không phải do kinh tế, tài chính mà biến động chính trị có thể tác động đến hoạt động kinh tế.
Eurozone được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong năm 2017 do tác động từ những biến động chính trị tại khu vực. Ảnh minh họa
Với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, năm 2016 đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng về chính trị. Nhà kinh tế học Philippe Waechter thuộc ngân hàng Natixis AM (Pháp) cảnh báo đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhiều thách thức đang chờ đợi.
Năm 2017, các cuộc bầu cử mang tính quyết định diễn ra tại Hà Lan, Pháp, Đức và có thể cả tại Italy. Không loại trừ khả năng phong trào dân túy có thể giành chiến thắng tại các cuộc bầu cử rất quan trọng này. Nhà kinh tế học Maxime Sbaihi của Bloomberg Intelligence nhận định phe theo chủ nghĩa dân túy giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sẽ là thách thức lớn đe dọa sự gắn kết của đồng tiền chung châu Âu, dù ông tin tưởng sẽ không có nước nào rời khỏi Eurozone.
Giới phân tích cho rằng những biến động chính trị đang là "áp lực" đối với các nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến việc thị trường có thể đòi hỏi lãi suất cao hơn đối với các doanh nghiệp và các chính phủ.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã dự báo tốc độ tăng trưởng trong Eurozone sẽ chậm lại vào năm tới do nhu cầu chi tiêu giảm trong khi tỉ lệ lạm phát có chiều hướng tăng.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế EU Pierre Moscovici đánh giá mức tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ giảm xuống mức 1,5% vào năm 2017 và sẽ tăng lên 1,7% vào năm 2018.
Tỷ lệ lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB muốn giữ ở mức gần 2% trong trung hạn, sẽ ở mức 0,3% trong năm nay và duy trì ở mức 1,4% trong năm 2017 và 2018.
Trong bối cảnh kinh tế Eurozone hồi phục trì trệ cùng một loạt rủi ro kinh tế và tài chính trong năm 2017, Chủ tịch ECB Mario Draghi thông báo hồi đầu tháng 12/2016 rằng cơ quan này sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu nhằm bơm tiền vào nền kinh tế khu vực.
Trong khi đó, lạm phát của Eurozone trong tháng 11/2016 tăng lên mức cao nhất trong 2,5 năm qua (0,6%), một tín hiệu khác cho thấy những nỗ lực của ECB bắt đầu có hiệu quả. Tuy vậy, số liệu này vẫn thấp hơn mục tiêu của ECB là vào khoảng 2%.
Trâm Anh (Tổng hợp)