Cụ thể theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường. Đồng thời phải điều hành tỷ giá phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chú ý tác động của tỷ giá đến xuất khẩu, nhập khẩu, lạm phát, nợ công. Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước cũng cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Trước đó ngay từ đầu năm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – ông Nguyễn Văn Bình cũng đã đưa ra thông điệp sẽ giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay trung – dài hạn thêm 1-1,5%/năm trong năm nay.
Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn.
Với kế hoạch giảm lãi suất cho vay trung – dài hạn thêm 1-1,5%/năm trong năm nay, các chuyên gia cho rằng kế hoạch này sẽ hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi hiện Ngân hàng Nhà nước đang điều chỉnh lãi suất theo diễn biến CPI, mà hiện CPI vẫn đang theo xu hướng giảm. Thêm vào đó trong những năm gần đây, do mặt bằng lãi suất đang giảm dần do vậy người gửi tiền cũng chọn kỳ hạn gửi dài hơn. Đây là yếu tố quan trọng để Ngân hàng Nhà nước quyết định yêu cầu các NHTM giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước hiện mặt bằng lãi suất cho vay trung – dài hạn tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Còn lãi suất cho vay trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 9,5-11%/năm. Các Ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng mức lãi suất cho vay trung – dài hạn ở mức 10-11%/năm.
Hoàng Anh (TH theo Infonet; bao Haiquan; baodautu)