Theo con số thống kê được Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) công bố, tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,82% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng rất thấp so với con số 6,4% của cùng kỳ năm 2013 và giữ khoảng cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 12-14% trong cả năm 2014. Liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14% trong năm nay có đạt được hay không?
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho rằng muốn tăng trưởng bền vững, có lợi nhuận tốt phải xác định có chiến lược đầu tư bài bản, đúng đắn không xa dời mục tiêu ban đầu, không ăn xổi ở thì.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12 – 14% trong năm 2014 có thể được coi là cao nhưng nếu đem con số này ra so sánh với GDP và CPI là tương đối phù hợp. Tất nhiên các cơ sở khoa học không đầy đủ, nhưng ở Việt Nam phải làm theo cách Việt Nam. Hiện tại ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu các phương hướng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng.
Hiện nay tình trạng chung là hầu hết các ngân hàng đều giữ tiền, không dám cho các doanh nghiệp nhỏ, các khu vực kinh tế tư nhân vay do lo ngại nợ xấu, mất vốn, bị quy tội bất cứ khi nào mặc dù lượng vốn còn dư khá nhiều đa phần các ngân hàng này chỉ tăng trưởng tín dụng dựa vào trái phiếu chính phủ, các dự án đầu tư công và các doanh nghiệp nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã thừa nhận hệ thống ngân hàng không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn của mình trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp và càng không thể tăng trưởng tín dụng vào những địa chỉ tiềm ẩn rủi ro, không thu hồi được vốn.
Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) chia sẻ kinh nghiệm để có thể tháo gỡ được tình trạng này Chính phủ nhiều nước đã áp dụng mô hình bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém hay đang vướng nợ xấu.
Tuy nhiên, mô hình bảo lãnh phải đảm bảo lợi ích của 3 bên gồm người bảo lãnh (quỹ bảo lãnh tín dụng), người nhận bảo lãnh (các tổ chức tín dụng) và người được bảo lãnh (doanh nghiệp).
Theo đó đối với quỹ bảo lãnh tín dụng cần đảm bảo an toàn tương đối về vốn, thu được phí, phục vụ được nhiều đối tượng cần bảo lãnh, bảo toàn và phát triển được vốn. Đối với các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động cho vay an toàn thu hồi được vốn đầy đủ cả gốc lẫn lãi. Cuối cùng đối với doanh nghiệp có thể nhận được vốn một cách dễ dàng, thủ tục gọn nhẹ và sử dụng vốn tạo giá trị thặng dư.
Việc biến các quỹ bảo lãnh thành cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng như vậy sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát được rủi ro trong hoạt động, xúc tiến quá trình xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn nhanh chóng hơn.
Chính phủ nên tăng tiềm lực tài chính cho Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Tại nước ta, quỹ bảo lãnh tín dụng đã được hình thành khá lâu tuy nhiên hoạt động của nó còn khá mờ nhạt không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Theo bà Thanh để có thể phát huy được vai trò của quỹ này Chính phủ cần phải có gói hỗ trợ tài chính, tăng cường tiềm lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh, đồng thời thiết lập những chỉ tiêu và điều kiện bảo lãnh cho vay đối với các doanh nghiệp dễ dàng hơn, vẫn đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang và sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế đối với hoạt động tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng toàn hệ thống.
Thêm vào đó để có thể cải thiện tăng trưởng tín dụng nhằm cộng hưởng với quy luật tín dụng tăng mạnh vào những tháng cuối năm, hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra, trong những tháng còn lại của năm, hệ thống ngân hàng cũng cần phải cố gắng bằng nhiều giải pháp quyết liệt mang tính chất đột phá theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Hoàng Anh (TH)