Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh có tổng mức đầu tư là 137 triệu
USD. Trong đó, 100 triệu USD được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Hàn
Quốc và và 37 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam
Cầu Vĩnh Thịnh hoàn thành không chỉ đáp ứng mong mỏi của người dân (Sơn
Tây và Vĩnh Tường) sinh sống hai bên bờ mà nó còn là công trình có ý
nghĩa rất quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giao
thông vận tải, cải thiện đời sống của người dân của Hà Nội, Vĩnh Phúc và
rộng hơn là các tỉnh Tây Bắc.
Cầu được khởi công từ cuối năm 2011 và dự kiến thi công trong vòng 36 tháng. Tuy nhiên, cây cầu đã hoàn thành sớm hơn 8 tháng so với dự kiến.
Cầu Vĩnh Thịnh có 4 làn xe (rộng 16,5m), tốc độ thiết kế 80km/g kết nối quốc lộ 2C với hai trục quốc lộ hướng tâm (quốc lộ 32 và quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh sẽ để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang.
Biển đặt tại đầu cầu phía thị xã Sơn Tây ghi nhận cây cầu là công trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc. Chủ đầu tư dự án này là Bộ Giao thông Vận tải.
Một phần cầu Vĩnh Thuỵ chạy qua cánh đồng xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Bến phà Vĩnh Thịnh sau nhiều năm phục vụ người dân Vĩnh Tường và thị xã Sơn Tây đã gần như dừng hoạt động từ sau khi khánh thành cầu Vĩnh Thịnh.
Việc đưa cầu Vĩnh Thịnh vào khai thác góp phần quan trọng trong việc làm giảm áp lực giao thông cho các quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 6 và quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía nam và ngược lại.
Thu Phương