Chi phí tăng đè lợi nhuận xuống, DN thuỷ sản trong chuỗi ngày trầm lắng

Cùng với sự tăng trưởng của xuất khẩu thuỷ sản, các doanh nghiệp đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong quý II. Tuy nhiên, việc phải gia tăng một số loại chi phí như phí đầu vào, phí vận chuyển… đã làm lợi nhuận của doanh nghiệp ngành thuỷ sản chưa thể phục hồi mạnh mẽ.

Quý II không rực rỡ

Quý II khép lại, bức tranh lợi nhuận ngành thuỷ sản thiếu đi nhiều gam màu tươi sáng khi mức lãi thu về của các doanh nghiệp trong ngành đều có phần khiêm tốn và chứng kiến nhiều sự sụt giảm.

Đứng đầu trong mảng cá tra, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) báo lãi quý II giảm 26% so với cùng kỳ, đạt gần 336 tỷ đồng bất chấp doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Theo VHC, giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của lợi nhuận quý II. Ngoài ra, báo cáo tài chính của doanh nghiệp còn cho thấy chi phí tăng khá mạnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của VHC.

Chi phí tăng đè lợi nhuận xuống, DN thuỷ sản trong chuỗi ngày trầm lắng - Ảnh 1

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (HoSE: IDI) – một doanh nghiệp lớn trong mảng cá tra cũng cho biết rằng lợi nhuận sau thuế quý II đã giảm 31,3% so với cùng kỳ, đạt vỏn vẹn 18,4 tỷ đồng. Doanh thu vẫn tăng trưởng dương, tuy nhiên chi phí của IDI tăng tới 42% do phí cước tàu tăng cao, dẫn đến lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ. Được biết, mức lợi nhuận khiêm tốn vài chục tỷ đồng mỗi quý so với quy mô vốn điều lệ hơn 2.200 tỷ đồng của IDI đã duy trì từ cuối năm 2022 đến nay. Trong quá khứ, IDI đã từng ghi nhận hơn trăm tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mỗi quý.

Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) cũng ghi nhận mức lợi nhuận khiêm tốn 17,5 tỷ đồng trong quý II. Khác với VHC và IDI, so với cùng kỳ năm 2023, kết quả năm nay của ANV dù khiêm tốn nhưng vẫn khả quan, bởi vì doanh nghiệp đã thua lỗ 51 tỷ đồng trong quý II/2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn chưa thể đưa ANV trở về mức lãi 100 – 200 tỷ đồng mỗi quý như trước.

Ở mảng tôm, vua tôm Minh Phú (Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú – UPCoM: MPC) báo lãi sau thuế 38,4 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ. Nhìn kỹ hơn vào tình hình kinh doanh của MPC ở những năm trước, kết quả đạt được của năm 2024 mới chỉ phục hồi phần nào so với mức đáy của năm 2023. Trước đó, MPC thường xuyên ghi nhận lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng mỗi quý.

2 doanh nghiệp thuỷ sản ở mảng tôm khác là Công ty Cổ phần Camimex Group (HoSE: CMX) Công ty Cổ phần Thuỷ sản Số 4. UPCoM: TS4) cùng ghi nhận những kết quả không mấy khả quan. Lợi nhuận sau thuế quý II của CMX giảm tới 76%, đạt hơn 6 tỷ đồng. Trong khi đó, TS4 tiếp tục kéo dài chuỗi thua lỗ, lợi nhuận âm gần 1,9 tỷ trong quý II.

Một vài điểm sáng hiếm hoi của bức tranh ngành thuỷ sản đến từ Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre (HoSE: ABT), Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM),… Trong đó, FMC báo lãi sau thuế tăng 10%, đạt hơn 83 tỷ đồng. ABT báo lãi tăng gần 19%, đạt 33,7 tỷ đồng. ASM ghi nhận lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 105 tỷ đồng.

Trông chờ nửa cuối năm

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt hơn 4,43 tỷ USD, tăng 6,8%. Các sản phẩm xuất khẩu chính đều ghi nhận sự tăng trưởng từ mức nền thấp cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 4,8% so cùng kỳ, kim ngạch 920 triệu USD; xuất khẩu tôm tăng 7% so với cùng kỳ, kim ngạch hơn 1,6 tỷ USD.

Sự gia tăng của giá trị xuất khẩu thuỷ sản đã phần nào phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành khi phần lớn đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc phải gia tăng một số loại chi phí như phí đầu vào, phí vận chuyển,… đã làm lợi nhuận của doanh nghiệp ngành thuỷ sản chưa thể phục hồi mạnh mẽ.

Bước sang nửa cuối năm 2024, giới phân tích dự báo sản lượng xuất khẩu thuỷ sản sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ở mảng cá tra, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo sản lượng xuất sẽ phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm nhờ 3 yếu tố.

Một là lượng hàng tồn kho tại các thị trường, đặc biệt là Mỹ suy giảm so với cùng kỳ và các nhà bán lẻ sẽ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm (tổng sản lượng tồn kho cá da trơn của Mỹ thấp hơn 11,1% so với cùng kỳ, trong đó, lượng hàng tồn kho cá da trơn cỡ nhỏ thấp hơn 24%).

Hai là việc tiêu thụ cá tra đang cải thiện khi lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại các nhà hàng tại Mỹ được duy trì ở mức trên 90 triệu USD. Đặc biệt, cá tra với giá hợp lý đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên khác. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc cũng đang dần phục hồi trở lại. Yếu tố thứ ba là mức thuế chống bán phá giá (POR 19) đang ở mức thấp.

Chi phí tăng đè lợi nhuận xuống, DN thuỷ sản trong chuỗi ngày trầm lắng - Ảnh 2

Về mảng tôm, PSI cho rằng sản lượng xuất khẩu sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn tỏng nửa cuối năm. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường được kỳ vọng sẽ cải thiện khi bước vào mùa cao điểm các dịp lễ cuối năm. Cùng với đó, việc lạm phát hạ nhiệt cũng sẽ giúp cải thiện tiêu dùng đối với mặt hàng tôm.

Về giá bán, PSI kỳ vọng giá bán tại thị trường Nhật Bản sẽ tăng lên nhờ việc các mặt hàng tôm chế biến từ Việt Nam vẫn được ưa chuộng và chi phí vận chuyển thấp hơn. Trong khi đó, tại Mỹ và Trung Quốc, giá bán sẽ khó tăng hơn do mặt hàng tôm sơ chế đơn giản từ Ấn Độ, Ecuador với giá rẻ đang có lợi thế hơn so với Việt Nam. Đặc biệt tại Mỹ, tình trạng dư cung có thể diễn ra khi sản lượng tôm của Ecuador đang tăng lên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn trong ngành thuỷ sản đang tăng cường đầu tư vào các dự án để tăng công suất sản xuất. 2 doanh nghiệp lớn mảng cá tra đều đang nhắm tới mảng collagen và gelatin. Theo đó, VHC dự kiến mở rộng thêm 50% công suất sản xuất collagen và gelatin lên 7,000 tấn/năm trong năm 2024 với kỳ vọng việc mở rộng công suất sẽ tạo động lực chính cho mảng kinh doanh này.

Trong khi đó, ANV đang xây dựng dòng sản phẩm giá trị gia tăng với collagen và gelatin từ da cá, qua liên doanh với Amicogen. Hiện dự án chạy thử nghiệm giai đoạn 1 với công suất 780 tấn/năm, tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 và 3 lên 1.200 và 2.400 tấn/năm, kỳ vọng đóng góp 10% lợi nhuận vào năm 2025.

Ở mảng tôm, từ tháng 5/2023, khu tôm mới Vinfarm của FMC với diện tích 203ha đi vào hoạt động, nâng công suất nuôi của công ty lên khoảng 40% trong năm 2024 (so với 30% vào năm 2022). PSI kỳ vọng sản lượng tôm nuôi dự kiến của FMC sẽ đạt từ 12.000 – 15.000 tấn trong năm 2024.

Còn Vua tôm MPC dự kiến hoàn thiện nhà máy Minh Phát dự kiến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2024, giúp doanh nghiệp nâng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn, kỳ vọng đem về doanh thu thành phẩm khoảng 16.622 tỷ đồng.

Hải Đường

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục