Chi phí sinh hoạt tại Hà Nội và TP HCM ở đâu trên bảng xếp hạng thế giới?

Hà Nội và TP HCM lần lượt xếp vị trí 139 và 143 trên bảng xếp hạng chi phí sinh hoạt của Mercer năm 2021.

Mercer vừa công bố “Khảo sát Chi phí sinh hoạt” (Cost of Living Survey) năm 2021. Mercer tiến hành khảo sát 209 thành phố ở 5 châu lục trên thế giới, từ đó xếp hạng mức độ đắt đỏ đối với người lao động nước ngoài dựa trên các tiêu chí về chi phí sinh hoạt bao gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm, giải trí, chăm sóc cá nhân...

Theo bảng xếp hạng năm nay, Hà Nội xếp thứ 139 về mức độ đắt đỏ, giảm 23 bậc so với năm ngoái. Tương tự, TP HCM giảm 32 bậc và hiện xếp vị trí 143.

Cũng theo “Khảo sát Chi phí sinh hoạt” 2021, thành phố Ashgabat của Turkmenistan đã vượt qua Hong Kong trở thành thành phố đắt đỏ nhất với người lao động nước ngoài. Năm ngoái Ashgabat ở vị trí số 2.

Mercer cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra của Turkmenistan, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và siêu lạm phát. Điều này dẫn đến chi phí sinh hoạt của Ashgabat đã tăng trong vài năm qua.

Bảng xếp hạng năm nay cũng chứng kiến sự thay đổi lớn của Beirut (Lebanon). Từ vị trí thứ 45 của năm ngoái, Beirut hiện là thành phố đắt đỏ thứ 3 thế giới. Nguyên nhân của việc này là suy thoái kinh tế tại Lebanon thêm trầm trọng dưới tác động của đại dịch Covid-19 và vụ nổ tại cảng Beirut hồi tháng 8 năm ngoái.

Trong khi đó, với việc đồng Euro tăng gần 11% so với USD, nhiều thành phố ở châu Âu trở nên đắt đỏ hơn. New York (Mỹ) không nằm trong top 10, trong khi Paris (Pháp) từ vị trí thứ 50 vào năm 2020 lên vị trí thứ 33 vào năm 2021.

Top 10 thành phố đắt đỏ nhất bao gồm: Ashgabat (Turkmenistan), Hong Kong (Trung Quốc), Beirut (Lebanon), Tokyo (Nhật Bản), Zurich (Thụy Sỹ), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Geneva (Thụy Sỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bern (Thụy Sỹ).

Những thành phố ít đắt đỏ nhất bao gồm Tbilisi (Georgia, vị trí 207), Lusaka (Zambia, vị trí 208) và Bishkek (Kyrgyzstan, vị trí 209).

Linh Lam

NDH
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục