Từ cô sinh viên vay vốn để khởi nghiệp trở thành nữ C.E.O thành đạt.
Trong một căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Chí Thanh, tôi có cơ hội được gặp gỡ và nói chuyện với C.E.O Phương Bùi, một cô gái trẻ nhưng lại rất bản lĩnh, độc lập và đầy tham vọng được nghe cô chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình khi bắt đầu mọi thứ từ con số 0, những lần khó khăn và thất bại trong sự nghiệp và những dự định còn đang ấp ủ cho tương lai sắp tới.
Sinh ra trong một gia đình dân tộc Mường ở Hòa Bình, từ nhỏ, Phương đã ý thức được hoàn cảnh của mình và luôn có ý thức tự giác, vươn lên. Trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cô luôn là niềm tự hào của gia đình, dòng họ và thầy cô với những thành tích đáng nể trong học tập.
C.E.O Phương Bùi - Giám đốc trung tâm ngoại ngữ Aten
Đỗ đại học Ngoại Thương, với Bùi Phương có lẽ là một bước ngoặt trong cuộc đời. Kể về lí do khi quyết định bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh từ năm thứ nhất Đại học, cô chia sẻ: “đối với gia đình, dòng họ, có được một người đỗ đại học, lại là một ngôi trường danh tiếng và uy tín như Ngoại Thương thì ai cũng mừng, vì thế, khi mình vay tiền để kinh doanh, mọi người dù muốn con cháu theo con đường học cao tiến sĩ nhưng vẫn vì tin tưởng mà cho vay tiền. Cũng rất may bởi họ hàng mình cũng có nhiều gia đình có điều kiện, nên việc cho vay vài triệu cũng không phải là quá to tát. Cứ như vậy, vay mỗi người một ít, mình có được số vốn ban đầu là gần 40 triệu đồng để khởi nghiệp kinh doanh”.
Bắt đầu bằng việc vay vốn để kinh doanh thời trang để “kiếm tiền đầu tư”, sau 3 năm bươn chải, cô quyết định nhượng lại cho bạn bè và người thân để chuyển sang lĩnh vực đào tạo. Lĩnh vực mới mà cô luôn khát khao cống hiến.Đến nay, cô hiện là C.E.O của trung tâm ngoại ngữ Aten với doanh thu tỉ đồng.
Quá trình khởi nghiệp của C.E.O Phương Bùi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn và thất bại. Cô chia sẻ: “Thất bại đáng nhớ đầu tiên đó là vào năm thứ 2 Đại học, nguồn hàng bị hạn chế khi đang kinh doanh thời trang, có những mẫu rất đẹp nhưng không sao tìm được nguồn hàng, mình nảy ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ thiết kế thời trang. Đổ vốn vào thuê địa điểm, mua máy móc và tuyển nhân công, nhưng với số vốn ít ỏi, chỉ có thể thuê được những người biết việc chứ không thực sự giỏi. Việc thiết kế và sản xuất bị đổ vỡ do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lí xưởng thiết kế thời trang cũng như chưa nhìn được khả năng sản xuất của con người”
Còn lần thất bại thứ hai là khi bắt đầu kinh doanh trung tâm Anh ngữ KPST (tiền thân của Aten hiện nay). Ban đầu KPST là kết quả của sự cộng tác giữa Phương và hai người bạn. Nhưng trong quá trình hợp tác, giữa ba người xảy ra những bất đồng quan điểm về cách quản lí điều hành. Mâu thuẫn đỉnh điểm tới mức trung tâm chỉ hoạt động trong vòng 1 tháng, rồi tan rã, những gì còn lại của cô gái trẻ chỉ là vài bộ bàn ghế. Không bỏ cuộc ở đó, Phương Bùi bắt tay vào làm lại từ đầu, tự lực cánh sinh và làm việc một cách độc lập.
Qua những thất bại đó, Phương đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm xương máu cho quá trình kinh doanh sau này.
Sống trên đời cốt ở sự thoải mái và hạnh phúc.
Mặc dù là một C.E.O còn trẻ tuổi với công việc kinh doanh đáng ngưỡm mộ trong mắt nhiều bạn trẻ, nhưng trong suy nghĩ của Phương, cô luôn đặt gia đình lên hàng đầu. Cô tâm sự rằng, kiếm tiền không phải là mục đích chính của cuộc đời mình, mà chính là cố gắng tạo ra những giá trị xã hội, giúp đỡ mọi người, từ đó mang lại sự thoải mái và hạnh phúc cho chính bản thân mình. Để làm được những điều đó, cần có tiếng nói, cần có tiềm lực tài chính và một khát vọng lớn.
Tất cả những việc mà cô làm, chỉ cốt yếu ở sở thích, niềm đam mê. Khi có đam mê trong công việc, bản thân sẽ có sự thoải mái trong cuộc sống. Sống trên đời cốt ở sự thoải mái và hạnh phúc, mà hạnh phúc theo cô, chính là đạt được những kì vọng của bản thân mình.
Nói đến cuộc sống của giới trẻ hiện nay, Phương Bùi cho rằng, một bộ phận giới trẻ thích sống phụ thuộc vào bố mẹ hơn là việc tự lập cho bản thân. Cô không khuyến khích, cũng không lên án lối sống đó, bởi mỗi người đều có một hoàn cảnh sống khác nhau. Tuổi trẻ hoàn toàn có quyền lựa chọn cách sống riêng của mỗi người, miễn sao cảm thấy hạnh phúc và thoải mái, tìm ra ý nghĩa của cuộc sống cho mình. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bạn trẻ độc lập, tự mình nuôi sống bản thân bằng chính khả năng và sức lực của mình. Phương luôn sẵn sàng ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất, giúp các bạn phát triển hết khả năng của mình.
Chưa cảm thấy thành công, còn nhiều tham vọng trong cuộc sống.
Khi được hỏi về những thành công mà cô đạt được ở thời điểm hiện tại, Phương nghĩ cô chưa cảm thấy mình thành công mà chặng đường sự nghiệp của mình còn dài, còn rất nhiều điều muốn đạt được. Ước mơ của cô là tạo nên một tập đoàn giáo dục lớn, lọt Top những người giàu nhất Việt Nam một Bill Gatestrong các hoạt động từ thiện vì cộng đồng. Cô luôn mong muốn sẽ góp phần tạo ra sự thúc đẩy cho xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người. Bên cạnh đó, cô muốn làm từ thiện, giúp đỡ cho những người nghèo. Dự định của Phương trong một vài năm sắp tới, sẽ thành lập nên những trang trại được công nghiệp hóa cho những người dân nghèo ở Hòa Bình quê cô. Giúp họ công ăn việc làm để cải thiện chất lượng cuộc sống, cô nghĩ điều đó sẽ thiết thực hơn rất nhiều việc ủng hộ người nghèo bằng thực phẩm và quần áo quyên góp từ thiện.
Triển khai làm từ thiện tai Trung tâm Anh Ngữ ATEN
Phương thẳng thắn chia sẻ quan điểm của bản thân đối với những bạn trẻ có niềm đam mê kinh doanh, cô nói: “thời gian đầu khi khởi nghiệp bao giờ cũng là khoảng thời gian khó nhất, thách thức sự chịu đựng và quyết tâm của mỗi người. Đã xác định kinh doanh, hãy xác định theo đuổi nó ít nhất 1 năm. Học cách sống chung với khó khăn và coi nó như chuyện của hàng ngày để tìm cách giải quyết nó một cách nhẹ nhàng. Dần dần bạn sẽ học được cách giải quyết vấn đề, từ đó sẽ đưa việc kinh doanh của bạn đi xa hơn cùng với quyết tâm và sự trưởng thành của chính bản thân mình. Hãy luôn nhớ rằng công việc kinh doanh giống chỉ thất bại khi bạn bỏ cuộc. Thành công hay thất bại bạn biết rồi đấy”
Hồng Nhung