Cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho 134 thuốc nước ngoài

Ngày 11/10, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường đã ký ban hành danh mục 134 thuốc nước ngoài được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trong đó có 61 loại sản xuất tại Ấn Độ.

134 thuốc trong đợt này có 120 thuốc nước ngoài được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 5 năm và 14 thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 3 năm.

Trong danh sách 134 thuốc, có nhiều loại thuốc thải sắt; thuốc làm chậm hoặc ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư và giảm kích thước khối u vú, trực tràng...; thuốc đặc trị mỡ máu cao; thuốc trị bệnh bạch hầu thanh quản, hen phế quản...

Các thuốc này được sản xuất chủ yếu ở Ấn Độ (hơn 60 loại), Đức, Tây Ban Nha, Thái Lan, Hy Lạp... Trong 61 loại thuốc sản xuất tại Ấn Độ, có các loại thuốc trị nhiễm Herpes zoster; điều trị rối loạn lipid máu; thuốc kháng sinh...

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cung cấp thuốc vào Việt Nam theo đúng các hồ sơ tài liệu đã đăng ký với Bộ và phải in hoặc dán số đăng ký được Bộ Y tế cấp lên nhãn thuốc. Cùng đó, chấp hành đầy đủ pháp luật của Việt Nam và các quy định của Bộ Y tế về nhập khẩu thuốc và lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho 134 thuốc nước ngoài - Ảnh 1

Nếu có bất cứ thay đổi gì trong quá trình lưu hành thuốc ở nước sở tại và ở Việt Nam thì phải báo cáo ngay cho Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam.

Trước đó, hồi cuối tháng 9, Cục Quản lý dược cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho 47 thuốc nước ngoài và 159 thuốc sản xuất trong nước.

Trong các thuốc này, có các loại thuốc chỉ định trị liệu hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và luyện tập; thuốc dạ dày; thuốc kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2 không phụ thuộc insulin...

Có 279 thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành 5 năm hoặc 3 năm. Cụ thể, 103 thuốc được sản xuất trong nước và 176 thuốc nước ngoài. Các thuốc này điều trị một số vấn đề về dạ dày và thực quản; điều trị huyết áp cao, suy tim sung huyết, nhồi máu; hạ lipid máu tổng hợp...

Hồi tháng 8, Bộ Y tế có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều quy định liên quan. Theo tờ trình do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký, thống kê từ 34 Sở Y tế, 21 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 40/55 Sở Y tế và bệnh viện Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc.

Bộ Y tế xác định nguyên nhân thiếu thuốc một phần do tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ.

 

Hà Trang

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục