Cao su Đà Nẵng: Lợi nhuận suy giảm 50%, hàng tồn kho liên tục tăng cao

Do chi phí bán hàng ở mức cao, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng trong đợt này chỉ đạt 76 tỷ đồng, giảm mạnh 73 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp này chiếm gần một nửa nguồn vốn.

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng.
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng.

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2023, Cao su Đà Nẵng có doanh thu đạt 2.274 tỷ đồng, giảm 157 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp đạt 260 tỷ đồng, giảm 144 tỷ đồng.

Do chi phí bán hàng ở mức cao, lợi nhuận sau thuế của Cao su Đà Nẵng trong đợt này chỉ đạt 76 tỷ đồng, giảm mạnh 73 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Tình đến hết 6 tháng đầu năm 2023, cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu chiếm phần lớn với 1.740 tỷ đồng, giảm 169 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ phải trả cũng giảm từ 1.508 tỷ đồng xuống còn 1.383 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ của Cao su Đà Nẵng chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.381 tỷ đồng. Nếu xét về  khả năng thanh toán của ngắn hạn, doanh nghiệp này vẫn có khả năng thanh toán được nợ khi hệ số tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn trên 1. Khi trừ hàng tồn kho ra, khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp này lại không đảm bảo khi hệ số này chỉ ở mức 0,6 lần.

Như vậy, cơ cấu tài sản của Cao su Đà Nẵng có tỷ lệ lớn là hàng tồn kho với 1.268 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng vốn của doanh nghiệp này (tổng nguồn vốn 3.124 tỷ đồng). Ngoài ra, hàng tồn kho của doanh nghiệp này tăng nhanh và liên tục trong 3 năm (2020 - 2022) từ 787 tỷ đồng lên 1.707 tỷ đồng. 

Hiện nay, Cao su Đà Nẵng đã có một giao dịch tại Ngân Hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam Chi Nhánh Hải Vân (địa chỉ tại số 339 Nguyễn Lương Bằng, Q. Liên Chiểu,TP. Đà Nẵng).

Theo đó, tài sản đảm bảo cho giao dịch này là các khoản phải thu của bên thế chấp tại khoản mục “Phải thu ngắn hạn của khách hàng” trên bản cân đối kế toàn của bên thế chấp phát sinh từ các Hợp đồng kinh tế, Hợp đồng mua bán và các văn bản sửa đổi bổ sung Hợp đồng kinh tế, Hợp đồng mua bán hoặc/và Văn bản thỏa thuận/Đơn hàng, Biên bản xác nhận công nợ được ký kết giữa Bên thế chấp và Khách hàng, đối tác (Tổ chức/cá nhân) trước và sau thời điểm ký Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu này. Tài sản thế chấp có giá trị tương ứng với tỷ lệ tài trợ vốn của BIDV so với các tổ chức tín dụng khác nhưng tại mọi thời điểm không thấp hơn 50.000.000.000 đồng.

Mới đây, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đã thông báo về 3 quyết định xử phạt vi phạm thuế và hải quan với tổng số tiền bị xử phạt lên tới hơn 102,4 triệu đồng.

Cụ thể, Cục thuế TP. Đà Nẵng đã Quyết định xử phạt Cao su Đà Nẵng vì đã có hành vi kê khai sai dẫn đến tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn nhưng chưa được hoàn thuế của kỳ hoàn thuế tháng 11/2022 và tháng 12/2022. Doanh nghiệp này còn áp dụng tình tiết tăng nặng vì đã vi phạm nhiều lần. Tổng số tiền phạt là 13,65 triệu đồng.

Tiếp theo đó, ngày 21/8/2023, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng – Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Hòa Khánh – Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt Cao su Đà Nẵng do khai sai về tên hàng, mã số hàng hoá, thuế suất hàng hoá nhập khẩu dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp mà người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hoá đã được thông quan.

Bên cạnh đó, Cao su Đà Nẵng còn vi phạm khai sai tên hàng, mã số so với thực tế hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế và tự phát hiện khai bổ sung hồ sơ hải quan quá 60 ngày kể từ thông quan và trước thời điểm quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hoá đã được thông quan. Tổng hình phạt đối với hai hành vi trên là gần 49,03 triệu đồng.

Cuối cùng, cũng trong ngày 21/8/2023, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng – Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Hòa Khánh – Liên Chiểu đã quyết định xử phạt Cao su Đà Nẵng vì hai hành vi. Tổng số tiền phạt cho hành vi là 39,78 triệu đồng. 

Phước Nguyên

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục