Cảnh báo giả mạo đường dây nóng của BHXH Hà Nội

Ngày 23/11, BHXH TP Hà Nội đưa ra cảnh báo về số điện thoại đường dây nóng nhận tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thu cước phí cao, dễ gây hiểu lầm cho người dân đây là hotline của cơ quan này.

Ngày 23/11, BHXH TP Hà Nội cho biết, theo thông tin phản ánh từ người dân, có một số điện thoại đường dây nóng (hotline) nhận tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thu cước phí cao và dễ làm người dân hiểu lầm đây là hotline của cơ quan BHXH TP Hà Nội.

Cảnh báo đường dây nóng không phải của cơ quan BHXH TP Hà Nội.
Cảnh báo đường dây nóng không phải của cơ quan BHXH TP Hà Nội.

Cụ thể bài viết tại đường dẫn https://luatduonggia.vn/thong-tin-dia-chi-so-dien-thoai-cua-bao-hiem-xa-hoi-thanh-pho-ha-noi/ của một văn phòng luật sư đưa các thông tin về cơ quan BHXH TP Hà Nội như ngày thành lập, chức năng, nhiệm vụ…, kèm trong bài viết có số hotline 1900.6568 với mô tả “HOTLINE BẢO HIỂM XÃ HỘI TẠI TP HÀ NỘI”, thu cước phí 8000 đồng/phút. Điều này sẽ khiến người đọc, người dân lầm tưởng đây là hotline của cơ quan Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội.

Hiện nay, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ có một số đường dây nóng duy nhất là 1900.9068 với cước phí 1.000 đồng/phút và số điện thoại đường dây nóng của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội là 024.37236555.

Ngoài ra, số hotline của bảo hiểm xã hội 30 quận, huyện, thị xã được công khai trên Cổng Thông tin điện tử BHXH TP Hà Nội tại đường dẫn: https://hanoi.baohiemxahoi.gov.vn/Pages/lien-he.aspx với cước phí theo quy định của nhà mạng cung cấp dịch vụ.

BHXH TP Hà Nội khuyến cáo người dân đọc kỹ các thông tin trên môi trường mạng, chỉ liên hệ tới các số điện thoại chính thống của cơ quan BHXH hoặc đến trực tiếp bộ phận Tiếp nhận hồ sơ (một cửa) của BHXH thành phố và các quận, huyện, thị xã để được tư vấn, giải đáp.

Ghi nhận thực tế tại Hà Nội, không chỉ ngành BHXH mà ngành Thuế và Tài nguyên Môi trường thành phố cũng bị một số đối tượng lợi dụng hình ảnh, thông tin, số điện thoại để mời tham gia tư vấn, mua sách báo, tài liệu nhằm trục lợi.

Liên quan đến hành vi giả mạo, Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa cảnh báo trên nhóm Zalo cộng đồng về việc xuất hiện thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao giả mạo người của UBND quận thông báo công dân sai dữ liệu dân cư...

Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an phường Mễ Trì cho biết, trên địa phường đã xuất hiện hình thức lừa đảo mới. Một công dân trên địa bàn phường nhận được điện thoại thông báo công dân bị sai lệch dữ liệu. Ban đầu người gọi điện thoại mời công dân đến chỉnh sửa dữ liệu, nhưng sau đó gợi ý hướng dẫn từ xa để lừa đảo. “Tôi khẳng định dữ liệu dân cư của cư dân có hộ khẩu tại đây chỉ Cảnh sát khu vực mới có thể chỉnh sửa”, Trung tá Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ.

Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định. Không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của nhóm đối tượng liên lạc trên qua điện thoại.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Trước đó, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát đi cảnh báo về việc các đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện hăm dọa và lừa đảo thường sử dụng các chiêu trò và phương pháp nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Mặc dù báo chí và cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhưng số lượng nạn nhân vẫn tăng lên do các đối tượng chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi bằng cách tự xưng là cán bộ Công an, viện kiểm sát, tòa án để trình báo. Lúc này đối tượng tự xưng Công an tiếp tục thông báo cho bị hại là họ đang liên quan các vụ án, chuyên án đang điều tra, đã có lệnh bắt của Công an và phê chuẩn của viện kiểm sát. Đồng thời yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng…

Để bị hại “sập bẫy”, nhóm đối tượng thường mặc sắc phục đợi sẵn. Khi nạn nhân “dính bẫy”, các đối tượng sẽ sử dụng các ứng dụng điện thoại gọi hình ảnh để nạn nhân nhìn thấy như mình đang nói chuyện với cán bộ chức năng thật.

Các đối tượng cũng sử dụng phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng internet có thể hiện thị số gọi đến là số điện thoại của cơ quan Công an (chỉ khác đầu số gọi đến) nên khi bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080, mạng internet... thì không thể phát hiện được.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục