Toát mồ hôi tìm xe buýt đã ... dừng chạy
Du khách Lưu Trọng Bình (Quận 1, TP.HCM) cho biết: “Tuổi già tôi chỉ làm hai việc là làm thơ và đi du lịch. Tôi lấy đi xuyên Việt làm niềm vui và đặc biệt thích du lịch miền Trung. Mỗi lần về Huế hay Đà Nẵng đều có thể lưu trú hàng tuần, có khi hàng tháng”.
Bí quyết để ngoài 70 tuổi ông vẫn có thể du lịch nhiều nơi thú vị mà không cần ai hỗ trợ chính là dựa vào công cụ tìm kiếm trên mạng thay cho các phương thức thông tin truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh thông tin có ích nhiều khi cũng dở khóc dở cười khi vấp phải thông tin “ma”.
Ông Nguyễn Phùng Châu, du khách đến từ Hà Nội người bạn của ông Bình, sáng ngày 16/8 hứng khởi đặt chân tới thành phố Đà Nẵng. Sau ba ngày vui chơi tại thành phố biển xinh đẹp, hai du khách lớn tuổi quyết định lên kế hoạch “phượt” Thánh địa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam).
“Tôi lưu trú tại đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Qua Google Map tôi thấy từ nơi lưu trú chỉ cách Di sản văn hóa thế giới 41km và có tuyến xe buýt đến tận nơi Mỹ Sơn”, ông Châu chia sẻ.
Sau khi thảo luận, hai du khách gọi taxi đón ra tuyến đường mà website lotrinh.vn giới thiệu: “Thông tin trên đây được tổng hợp từ nguồn nhà cung cấp dịch vụ xe buýt. Trang thông tin này để lại lộ trình: “tuyến số 6: Đà Nẵng – Mỹ Sơn (Quảng Nam).
Trang thông tin hành trình lượt đi: Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng – Điện Biên Phủ - Lê Duẩn – Hoàng Hoa Thám – Hàm Nghi – Lê Đình Lý – Nguyễn Tri Phương – Trưng Nữ Vương – Duy Tân – Núi Thành – Cách Mạng tháng Tám – Hòa Cầm – Quốc lộ 1A – Tỉnh lộ 610 – Mỹ Sơn.
Hành trình lượt về cũng được trang thông tin rất rõ ràng: Giống như lộ trình từ Đà Nẵng đi Mỹ Sơn tính ngược lại điểm cuối đến điểm đầu. Kèm theo thông tin, tên và số điện thoại doanh nghiệp khai thác tuyến. Thời gian: 6h00, 30 phút/chuyến, loại 2 chiều.
Tiếp tục vào mục tìm kiếm, ông Châu thấy trang web dulichfun.com có bài viết: Kinh nghiệm du lịch thánh địa Mỹ Sơn: Xe buýt tới Mỹ Sơn. Ông Châu yên tâm gọi Taxi ra đứng đợi ở trạm xe buýt đường Trưng Nữ Vương 30 phút chuyển đến đợi ở đường Duy Tân, đợi thêm 30 phút, cũng không có xe.
Thấy người lớn tuổi đầu đội nắng chờ xe buýt, người dân địa phương nói: “Trước đây có xe buýt đi Mỹ Sơn nhưng từ sau đại dịch đến nay không thấy xe chạy qua đường này” – Chị Nguyễn Tường Vy nói với ông Bình.
Một người dân khác khi được hỏi, nói “Chắc đã đổi tuyến đi đường khác chứ lâu nay không nhìn thấy xe buýt Đà Nẵng - Mỹ Sơn chạy qua đây”. Lân la hỏi thêm năm người nữa trên tuyến đường Lê Duẩn họ đều lắc đầu trả lời… “không biết”.
Nghe vậy ông Châu gọi taxi ngược lên Bến xe Trung Tâm trên đường Tôn Đức Thắng mới được nhân viên bến xe cho biết: “Từ sau đại dịch Covid– 19 đến nay, Đà Nẵng chỉ có xe tour hoặc thuê xe riêng đi Mỹ Sơn còn tuyến xe buýt Đà Nẵng – Mỹ Sơn đã tạm dừng từ nhiều tháng nay chưa biết khi nào khôi phục”.
Phải làm sao với thông tin hấp dẫn nhưng chỉ là thông tin “ảo”?
Khi đi du lịch, du khách có nhu cầu tìm kiếm nơi thưởng thức ẩm thực, nơi lưu trú thoải mái. Phân vân mãi rồi du khách Nguyễn Phùng Châu cũng chọn quán cơm chay trên đường Trưng Nữ Vương. Quán ăn được đánh giá 4.5/5 sao, trạng thái đang hoạt động từ thứ 2 – chủ nhật. Quán được quảng cáo sạch sẽ, các món chay đa dạng, phục vụ chu đáo nhiệt tình.
Thế nhưng khi tới nơi, ông Châu nhìn quanh đều không thấy quán chay nào như trong địa chỉ ghi trên mạng và đành phải loay hoay giữa trời trưa nắng gắt. Ông Châu đã tỏ ra khá bức xúc nói: “Thông tin hướng dẫn thì phải chính xác. Việc đi lại nhiều vòng để tìm nơi ăn, ngủ, đi lại rất mất thời gian. Là thành phố du lịch càng cần phải chú ý đến vấn đề này”.
Phóng viên thử tìm tuyến xe buýt đi Mỹ Sơn và nhận được cái “kết đắng” tương tự. Sau khi loay hoay hàng tiếng đồng hồ vào việc tra cứu thông tin, ra đứng ở các tuyến đường được cho là sẽ có xe buýt đi qua, cuối cùng gọi đến bến xe mới “vỡ lẽ” ra là tuyến xe buýt đã dừng chạy. Lúc này khi vào lại lotrinh.vn thấy dòng “Nếu phát hiện có thay đổi thì thông tin lại…”.
“Kinh nghiệm của tôi là trang nào để lại số điện thoại tôi sẽ gọi và liên lạc trước, tránh trường hợp tới nơi thấy đóng cửa là “xôi hỏng bỏng không”, ông Trọng Bình cho hay.
Ông Lưu Trọng Bình đề xuất: “Thông tin “ma” đang khiến cho không gian mạng ngập “thông tin rác” cần sớm có biện pháp “quét dọn”, đồng thời tháo bỏ để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng”.
Chuyện trên chỉ là một ví dụ nhỏ. Nhan nhản những thông tin như vậy đang tồn tại vô lý trên trang mạng làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch các địa phương mà ít ai quan tâm.
Sau thời gian dài ngủ mê bởi đại dịch, du lịch Việt Nam có tín hiệu đáng mừng. Trong bức tranh tổng thể, Đà Nẵng là một điểm sáng nổi bật của du lịch miền Trung. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: "Chuyển đổi số trong du lịch đang trở thành xu thế chung nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp phục hồi sau đại dịch. Trong đó một trong những nội dung đáng quan tâm là “Du lịch thông minh”.
Thiết nghĩ, những website hướng dẫn thông tin du lịch rất cần thiết cho những chuyến đi tham quan dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chủ các website cần ý thức việc cập nhật thông tin, các cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp đủ sức nặng để ngăn chặn thông tin không còn giá trị vẫn tồn tại và làm phiền du khách.
Địa phương cần nghiên cứu xây dựng trang du lịch có thông tin từ bao quát đến chi tiết, uy tín, luôn mới và quảng bá đến cho du khách biết địa chỉ tra cứu. Tránh cho du khách những hụt hững không đáng có, thay vì bỏ tiền tham quan mua niềm vui lại mua lấy bực mình.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết