Cần “mạnh tay” cho ngân hàng yếu kém phá sản

(Kinhdoanhnet) - Hiện quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam còn diễn ra rất chậm chạp, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém vẫn chưa đem lại kết quả như kỳ vọng. Muốn quá trình này đạt kết quả tốt, Chính phủ cần phải mạnh dạn cho các ngân hàng yếu kém phá sản, giải thể xóa bỏ hoàn toàn các ngân hàng yếu kém này.

 Trong suốt quá trình tái cơ cấu từ cuối năm 2011 đến nay, một loạt ngân hàng yếu kém đã được xử lý nhưng chủ yếu là theo phương thức tự nguyện sáp nhập hợp nhất với các ngân hàng chưa yếu kém vẫn chưa hề có bất kỳ trường hợp nào bị phá sản. Cho dù có một vài ngân hàng đang tồn tại ở trạng thái chỉ là một cái vỏ rỗng ruột. Ngay cả khi Việt Nam đã có một đạo luật phá sản hiện đại cho phép thực hiện cả hình thức thanh lý và cơ cấu lại, tuy nhiên vẫn chưa hiệu quả.

Cần “mạnh tay” cho ngân hàng yếu kém phá sản
Cần “mạnh tay” cho ngân hàng yếu kém phá sản.

Ngày 19/06 Luật Phá sản 2014 đã được Quốc hội thông qua chính thức luật hóa các quy định về phá sản tổ chức tín dụng. Quan điểm nếu cần thiết sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém cũng đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Tuy nhiên, cơ chế phá sản và cho phá sản ngân hàng yếu kém tại Việt Nam vẫn khó triển khai, do có những quan ngại và trở ngại liên quan.

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng nên có cơ chế thoáng hơn để ngân hàng yếu kém phá sản thay vì né tránh bằng các giải pháp kiểu mua bán, sáp nhập như hiện nay.

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá việc tái cơ cấu ngân hàng còn rất chậm chạp, nhất là việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém chưa đem lại kết quả như kỳ vọng. 

Hiện chương trình tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam còn diễn ra rất chậm chạp, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém vẫn chưa đem lại kết quả như kỳ vọng.

Việc giảm số lượng các ngân hàng thương mại xuống là một chỉ tiêu định lượng để chúng ta thấy rằng đã giảm được bao nhiêu, cải cách được bao nhiêu ngân hàng nhưng nó không phải là biện pháp để nâng cao chất lượng và năng lực của hệ thống ngân hàng đi lên.

Việc cắt giảm các ngân hàng yếu kém theo hướng sáp nhập, hợp nhất thay vì cho phá sản đang có khá nhiều bất cập bởi nhiều khi nó không thể tạo ra giá trị công hưởng mà ngược lại còn khiến các ngân hàng chưa yếu kém rơi vào tình trạng chết “tiền lâm sàng” như tại một số ngân hàng lớn như Agribank và nhỏ như NH Xây dựng...

Việc sáp nhập cơ học như mặc dù nó có thể làm giảm số lượng các ngân hàng xuống theo đúng tinh thần đề án 254 về tái cấu trúc mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra. Nhưng nó lại không phải là yếu tố để đề án tái cấu trúc ngân hàng có thể thành công một cách tốt đẹp.

Thực tế hiện nay muốn cho phá sản ngân hàng tại Việt Nam vẫn khó có thể xảy ra. Bởi Ngân hàng Nhà nước đã và vẫn đang sử dụng biện pháp chính để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém bằng cho sáp nhập, hợp nhất, biện pháp cuối cùng là chính Ngân hàng Nhà nước vào cuộc mua lại cổ phần để trực tiếp chấn chỉnh (với công cụ là các ngân hàng thương mại nhà nước).

Theo T.S Đỗ Thiên Anh Tuấn, muốn quá trình tái cơ cấu ngân hàng được thành công theo đúng nghĩa thì Chính phủ cần phải mạnh dạn cho các ngân hàng yếu kém phá sản, giải thể xóa bỏ hoàn toàn các ngân hàng yếu kém này. Bởi hiện nay chính các ngân hàng yếu kém này lại đang là nút thắt và lấy đi nguồn lực của các ngân hàng khác.

Thêm vào đó cần phải đẩy mạnh tiến độ xử lý nợ xấu nhanh chóng phục hồi chất lượng của các ngân hàng.

Một vấn đề nữa cũng đang khiến NHNN đau đầu đó là nạn sở hữu chéo ngân hàng. Ông Tuấn cho rằng NHNN cần phải quyết liệt mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý sở hữu chéo.

Đối với vấn nạn này, NHNN cũng đã nêu ra một số giải pháp tích cực nhằm hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo như đặt ra cơ chế tiếp nhận, mua lại cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước tại tổ chức tín dụng; ra thông tư hướng dẫn thời hạn, trình tự thủ tục chuyển tiếp việc cổ đông của tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định.

Ngoài ra, biện pháp cũng được đưa ra như yêu cầu cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn từ các cổ đông cũ tại ngân hàng yếu kém phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, huy động từ tổ chức tín dụng đó hoặc tổ chức, cá nhân khác.

Tuy nhiên để những giải pháp này không phải chỉ là giải pháp về mặt nhận thức quan điểm hay chỉ là ý tưởng có tính nguyên lý thì NHNN phải làm một cách thực chất, tích cực và triệt để hơn nữa. NHNN phải đảm bảo rằng các quy định của luật pháp, một khi đã được ban hành thì phải được thực hiện một cách nghiêm minh mà không ai có quyền được phép mặc cả hay thương lượng.

Hoàng Công (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục