Cần ít nhất 160.000USD để lọt top 1% người giàu nhất Việt Nam

Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, khoảng 31%, trong 5 năm tới.

Hãng tư vấn bất động sản lớn nhất thế giới Knight Frank mới đây tiếp tục công bố báo cáo The Wealth Report, trong đó có đưa ra thống kê số lượng người siêu giàu tại Việt Nam.

Theo báo cáo, Việt Nam đã có 5 tỷ phú USD và dự kiến sẽ tăng lên 6 tỷ phú USD vào năm 2025.

Cũng trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam đã giảm nhẹ so với thời điểm 5 năm trước, từ 20.645 người xuống còn gần 19.491 người, tương đương mức giảm 6%. Trong khi đó, những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên giảm từ 405 xuống còn 390 người.

Tuy nhiên, Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, khoảng 31%, trong 5 năm tới. Cụ thể, tới năm 2025, Việt Nam được dự báo sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD.

Theo bản thống kê này, để lọt vào top 1% người giàu nhất Việt Nam, một người cần có tài sản ít nhất 160.000 USD. Tại Singapore, điều kiện cao nhất để lọt vào top 1% giàu nhất là sở hữu ít nhất 2,9 triệu USD. Điều kiện này tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Indonesia lần lượt là 1,2 triệu USD, 850.000 USD, 540.000 USD và 60.000 USD.

Cần ít nhất 160.000USD để lọt top 1% người giàu nhất Việt Nam - Ảnh 1
Dự báo tới năm 2025, Việt Nam có 25.812 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD.

Trên toàn cầu, dân số siêu giàu tăng 2,4% trong năm 2020 lên hơn 520.000 người nhờ các gói cứu trợ Covid-19 và cú hích từ lãi suất thấp. Mặc dù vậy, xu hướng này không đồng đều khi các khu vực như Mỹ Latin, Trung Đông chứng kiến sự sụt giảm của người siêu giàu do biến động tiền tệ và tác động của đại dịch.

Trong 5 năm tới, không chỉ riêng Việt Nam mà dự kiến toàn châu Á sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng của nhóm người giàu nhanh nhất thế giới với mức tăng 39%, so với mức tăng trung bình 27% toàn cầu.

Theo đó, dân số siêu giàu châu Á sẽ chiếm 24% toàn cầu, tăng 17% so với một thập kỷ trước. Khu vực này hiện có số lượng tỷ phú USD nhiều nhất thế giới, chiếm 36% toàn cầu.

Từng trao đổi với Đất Việt về những con số này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam ngày càng gay gắt.

Minh chứng cho điều này, ông nhắc lại nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với năm tài khóa 2021, Việt Nam nằm trong nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, với tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người đạt 2.540 USD.

Trong khu vực Đông Nam Á, GNI bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn các quốc gia khác như Timor Leste, Campuchia và Myanmar. Philippines và Lào cũng nằm trong nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng có GNI cao hơn Việt Nam, lần lượt ở mức 3.850 USD và 2.570 USD.

Indonesia cùng với Thái Lan, Malaysia góp mặt vào nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao. GNI bình quân đầu người của Indonesia đạt ngưỡng 4.050 USD vào năm 2019, tăng từ mức 3.840 USD trong năm 2018.

"GNI bình quân đầu người của Philippines, Indonesia đều cao hơn của Việt Nam, song để lọt vào nhóm 1% người giàu nhất Việt Nam cần tới 160.000 USD, trong khi với Philippines, Indonesia chỉ cần 60.000 USD. Rõ ràng, sự giàu có tập trung vào một số người ở Philippines, Indonesia ít hơn Việt Nam, đồng nghĩa với việc bất bình đẳng ở Việt Nam rất lớn", PGS.TS Lê Cao Đoàn nhận xét.

Theo vị chuyên gia, sự bất bình đẳng tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế. Khi thu nhập của đại đa số người dân kém đi thì họ phải lo dè sẻn, cầu tiêu dùng của xã hội giảm đi. Sản xuất ra nhiều mà không bán được vì xã hội chi tiêu rất ít thì lại phải đi... giải cứu, tăng trưởng sẽ giảm.

Về nguyên tắc, theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, từ của cải của một quốc gia cũng như của các cá nhân trong quốc gia ấy, mức độ tập trung của cải vào tầng lớp tinh hoa, có năng lực cao nhất có thể giúp hiểu về một quốc gia, biết được quốc gia đó có khả năng phát triển không, sự thịnh vượng hay hạnh phúc của quốc gia đó như thế nào.

Tuy nhiên, nếu một quốc gia giàu có mà bị phân hóa mạnh, phần nhiều của cải vật chất trong xã hội tập trung vào nhóm những người siêu giàu chiếm thiểu số thì chứng tỏ quốc gia ấy có rất nhiều người nghèo khổ. Khi ấy, quốc gia này phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn do sự bất bình đẳng mang lại.

Minh Thái

Minh Thái

Datviet
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục