Cần có chế tài xử lý việc đưa thông tin sai lệch trên thị trường BĐS

(Kinhdoanhnet) - Thông tin trên thị trường bất động sản hiện nay được nhiều chuyên gia đánh giá là vẫn thuộc về người bán, chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có chế tài xử lý việc đưa thông tin sai lệch trên thị trường, giúp làm minh bạch hóa thị trường bất động sản, bảo về quyền lợi người mua nhà.

Cần có chế tài xử lý việc đưa thông tin sai lệch trên thị trường BĐS - Ảnh 1
Cần có chế tài xử lý việc đưa thông tin sai lệch trên thị trường BĐS

Theo nhận định của các chuyên gia, từ năm 2014, cùng với sự ấm lên, thị trường bất động sản bắt đầu có sự xuất hiện của những thông tin gây nhiễu khi giá cả của các dự án trên thị trường thiếu tính thống nhất. Nhiều thông tin cho rằng sẽ có sự khan hiếm, nóng sốt sản phẩm tại một số phân khúc khiến người tiêu dùng băn khoăn không biết tin vào đâu.

Theo giới chuyên gia, hiện nay thông tin phân tích, nhận định về thị trường BĐS đang được dẫn dắt bởi một số công ty nghiên cứu thị trường như Savillse, CBRE... Không phủ nhận những đóng góp và tầm quan trọng của các thông tin này, tuy nhiên, những công ty này cũng là DN, vì vậy về độ chính xác cũng như tính khách quan của các thông tin này còn nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu thông tin tại các sàn giao dịch, (phóng viên trong vai khách hàng) thường nhận được lời tư vấn về việc giá nhà ở đã tăng và sẽ tăng thêm trong thời gian tới, trong khi thực tế tồn kho BĐS vẫn còn cao và ngay cả khi giá có dấu hiệu đi xuống.

Chưa kể, một số trang web thường có lời rao bán nhà với giá rẻ hơn giá của chủ đầu tư, nhưng khi phóng viên gọi điện thì họ thường báo hết hàng và tư vấn sang căn khác với giá cao hơn. “Hiện tượng này làm nhiễu thị trường, làm cho người mua nhà không biết tin vào đâu, cảm giác rất mong manh, dễ tổn thương, dễ bị lừa, mua xong mới biết bị hớ”, ông Vũ Đình Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Viethome nhận xét.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường hiện nay thiếu thông tin dành cho người mua, bởi thông tin trên thị trường gần như “đứng về phía người bán”. Việc thông tin trên thị trường đa phần có lợi cho người bán gây tâm lý băn khoăn cho khách hàng, bởi họ không biết đâu mới là thông tin chính xác.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng trước khi có quyết định mua bất động sản cần tư vấn bởi các cơ quan pháp lý, cơ quan chuyên môn, để xem tiêu chuẩn pháp lý của sản phẩm đó có đảm bảo hay không, vì đôi khi giá rất tốt nhưng tính pháp lý còn thiếu còn tiềm ẩn rủi ro với người tiêu dùng.

Theo ông Thành, trong tình hình hiện nay, vấn đề tiếp cận thông tin và lựa chọn thông tin đòi hỏi khách hàng phải thông minh hơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới thông tin, có thông tin thật và có những thông tin chưa thật. Mỗi một thông tin có mục đích khác nhau, khách hàng phải có sự lựa chọn và thẩm định thông tin, nhưng họ không có đủ kỹ năng để tiếp nhận các thông tin ở lĩnh vực mà mình không nắm rõ, nên cần có tư vấn.

Tôi khuyến cáo người tiêu dùng trước khi có quyết định mua BĐS cần tư vấn bởi các cơ quan pháp lý, cơ quan chuyên môn, để xem tiêu chuẩn pháp lý của sản phẩm đó có đảm bảo hay không, vì đôi khi giá rất tốt nhưng tính pháp lý còn thiếu còn tiềm ẩn rủi ro với người tiêu dùng.

Trong thế giới thông tin hiện nay, thông tin tạo ra sự kích động là yếu tố tâm lý đang được các nhà kinh doanh tận dụng khai thác triệt để. Ví dụ, tình trạng khan hiếm nhưng là khan hiếm giả tạo, tình trạng sốt nóng cũng là giả tạo, do cách bán hàng của người bán để tạo ra sức thu hút, nhịp điệu của thị trường. Thông tin khan hiếm, sốt nóng giả tạo này pháp luật không kết tội, vấn đề là những thông tin liên quan đến giao dịch cụ thể phải chính xác hoàn toàn - ông Thành phân tích.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng khuyến cáo, tốt nhất khách hàng nên gặp trực tiếp chủ đầu tư, nếu người môi giới bưng bít thông tin liên quan đến chủ đầu tư thì không nên tin tưởng. Đương nhiên trong quá trình quảng bá sản phẩm, chủ đầu tư cũng như sàn giao dịch, họ có quyền phô trương hình ảnh, quảng cáo cho sản phẩm, nhưng giá thì không có quyền có bất cứ một “vệt mờ” nào xung quanh nó, vì nó luôn phải trung thực. Nếu phát hiện họ công bố giá sai với giá của bên bán thì khách hàng có thể phản ánh với cơ quan chức năng.

Về giá, cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường BĐS và các dự án nhà ở ở các địa phương là Sở Xây dựng, họ sẽ nắm được giá thật của nhà ở, hoặc các Trung tâm tư vấn đầu tư, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Người tiêu dùng không nên chỉ nghe theo lời người nọ người kia, kể cả đó là những người thân cận với mình, mà cần phải sàng lọc thông tin một cách khách quan, phải có kỹ năng để có quyết định đúng.

Về vấn đề này, phát biểu trong một hội thảo về cơ hội kinh doanh khi thị trường BĐS ấm lên được tổ chức cách đây chưa lâu, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng “thị trường BĐS đang phát triển theo kiểu của người mù”, không có những dự báo mà chỉ có nhà đầu tư tự đưa ra những phân tích. Thị trường BĐS vẫn còn có những bí mật, những thông tin riêng, nhưng những thông tin về sản phẩm cần phải “mở” để thị trường có sức sống.

Bộ Xây dựng cũng đang trong quá trình làm minh bạch hóa thị trường, vì thế phải làm sao quản lý tốt thông tin do các chủ đầu tư, các sàn giao dịch cung cấp và cần phải có chế tài rất cụ thể đối với những thông tin sai lệch trên mạng intrernet hoặc do các đơn vị này cung cấp. Nếu làm tốt điều này, thông tin trên thị trường không bị nhiễu như hiện nay.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Hải quan, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục