Cách chọn cốm ngon không bị nhuộm phẩm màu

(Kinhdoanhnet) - Cốm được nhiều người yêu thích bởi độ dẻo, màu xanh non bắt mắt và mùi thơm tự nhiên của lúa non. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều người đã dùng phẩm màu để nhuộm cốm. Vậy làm sao để chọn được cốm ngon, không bị nhuộm màu?

Cốm là sự kết tinh của những hạt nếp cái hoa vàng còn thơm mùi sữa, thường xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10. Hạt cốm dẻo, thơm, ngọt thanh nên có thể làm ra nhiều món ăn tinh tế và hấp dẫn. Thông thường, để tạo màu xanh cho cốm, người ta giã lá mạ non rồi đem hồ cho cốm tạo thành màu xanh non. Nhưng để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức và giúp màu cốm trông bắt mắt hơn, một số người bán đã sử dụng phẩm màu để nhuộm. 

Cách chọn cốm ngon không bị nhuộm phẩm màu - Ảnh 1
Cốm tự nhiên có màu xanh non nhạt, hơi ngả sang màu vàng

Do đó, để chọn được cốm ngon, không phẩm màu người dùng cần chú ý đến màu cốm. Cốm tự nhiên có màu xanh non nhạt, hơi ngả sang màu vàng. Trong khi đó, cốm nhuộm thường có màu xanh quá đậm hoặc xanh tươi, trông bắt mắt hơn.

Người mua cũng có thể ăn thử vài hạt cốm để dễ dàng chọn cốm tự nhiên, thơm ngon. Cốm ngon luôn có hạt mỏng, chắc, ăn thấy hơi dai dai, bùi bùi và thơm mùi lúa non. Còn cốm bị nhuộm thì ăn không được dẻo và không còn mùi hương đặc trưng của cốm.

Ngoài ra, người dùng có thể ngâm cốm vào nước ấm để nhận diện cốm sạch, không phẩm màu. Bởi nếu là cốm tự nhiên, khi ngâm vào nước ấm khoảng 30 phút thì nước ngâm vẫn có màu trong. Trong khi đó, cốm nhuộm màu xanh tươi hoặc xanh đậm khi ngâm nước sẽ chuyển thành màu xanh nhạt và hạt cốm chuyển sang màu xanh hơi trắng.

Lưu ý:

Khi mua cốm, bạn nên mua vào buổi sáng sớm. Bởi đây thường là cốm mới, sẽ dẻo và thơm hơn. Nếu bạn mua vào buổi chiều, sẽ dễ mua phải cốm cũ, cốm còn sót lại từ sáng và hương vị sẽ không thể thơm ngon bằng cốm mới.

Khi mua cốm về nên để ở nơi khô ráo để đảm bảo hương vị đặc trưng của cốm. Bạn nên mua cốm ăn ngay trong ngày, không để quá lâu trong ngăn mát tủ lạnh hoặc trong nhiệt độ phòng. Điều này sẽ khiến cốm trở nên cứng hơn và mất đi mùi vị.

Dương Yến (T/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục