Các ông lớn xăng dầu có thực sự càng làm càng lỗ?

Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn than càng bán càng lỗ, nhưng thực tế các ông lớn xăng dầu chỉ cần 9 tháng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam... được thể hiện qua báo cáo tài chính.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã chứng khoán: PLX), các chỉ tiêu kết quả kinh doanh của "ông lớn" ngành xăng dầu tăng rất mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 3 của Petrolimex đạt 73.695 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cùng với doanh thu thì giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh gấp gần 2,2 lần, lên tới 70.892 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp chỉ còn 2.803 tỷ đồng lãi gộp, tăng 37,7% so với cùng kỳ.

Các công ty xăng dầu đồng loạt về đích lợi nhuận.
Các công ty xăng dầu đồng loạt về đích lợi nhuận.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 5,6% đạt 279 tỷ đồng, đồng thời chi phí tài chính cũng tăng 48,6% lên mức 319 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 25% và 31,5% so với cùng kỳ, lên 2.407 tỷ đồng và 196 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận đạt 302 tỷ đồng, tăng rất mạnh, gấp 3,6 lần quý III/2021. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác, Petrolimex báo lãi trước thuế 313 tỷ đồng trong quý III vừa qua, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2021. Lãi sau thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần quý III/2021, trong đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 99 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ gần 30%.

Lũy kế 9 tháng, Petrolimex đạt 225.697 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 88,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lãi trước thuế 9 tháng chỉ đạt 614 tỷ đồng; lãi sau thuế là 498 tỷ đồng, chỉ bằng 20,7% kết quả cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng mạnh (lãi gộp suy giảm) và chi phí tài chính cao gấp đôi cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng tăng mạnh.

Theo kế hoạch đặt ra cho năm nay, Petrolimex lên mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt là 186.000 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, Petrolimex đã vượt 21% kế hoạch doanh thu.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) báo cáo quý 3/2022 đạt doanh thu thuần 25.962 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Giá bán lẻ xăng dầu trong quý 3 liên tục đi xuống khiến lãi gộp của công ty giảm sâu và kết quả PV OIL bị lỗ sau thuế 373,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi gần 57 tỷ đồng.

Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng, PV OIL đạt doanh thu thuần 79.617 tỷ đồng, gấp 2,1 lần và lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù lỗ trong quý 3/2022 nhưng chỉ sau 9 tháng, PV OIL đã vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Theo giải trình của PV OIL, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu thế giới liên tục tăng. Tuy nhiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9, giá thế giới đảo chiều giảm liên tục do lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát... Phù hợp với diễn biến giá thế giới, nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý 3/2022 làm cho lãi gộp của PV OIL giảm 37% khiến kết quả kinh doanh sau thuế quý 3/2022 của công ty mẹ lỗ 196 tỷ đồng. Từ đó cũng dẫn đến kết quả lỗ hơn 373 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất.

Ngoài hai "ông lớn" đầu mối là Petrolimex, PV Oil báo lãi trong 9 tháng, thì nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đồng loạt bão lãi cùng kỳ. 

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công bố 9 tháng năm 2022 đạt doanh thu thuần 126.717 tỷ đồng, tăng 90% và lợi nhuận sau thuế hơn 12.899 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch cả năm 2022 đề ra là tổng doanh thu 91.678 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ đồng thì chỉ sau 9 tháng, BSR đã có lãi gấp 10 lần kế hoạch cả năm.

Tổng công ty Khí VN - CTCP (GAS) trong 9 tháng đạt doanh thu 78.671,6 tỷ đồng, tăng 34% và lợi nhuận sau thuế 11.726 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Đầu năm, GAS đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 80.043 tỷ đồng và lãi sau thuế 7.039 tỷ đồng. Như vậy, hiện GAS đã vượt mức cao so với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022.

Còn Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) dù không công bố chi tiết doanh thu và lợi nhuận nhưng lãnh đạo Tập đoàn này cho hay 9 tháng năm 2022, Tập đoàn đã nộp ngân sách 90.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2022 trước 6 tháng). PVN cũng đã về đích các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất toànTập đoàn.

Như vậy, mặc dù gần đây các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu than "càng bán càng lỗ" nhưng thực tế các "ông lớn" đều đảm bảo doanh thu và lợi nhuận, thậm chí chỉ cần 6- 9 tháng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Thời gian qua xuất hiện một số doanh nghiệp đã thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ Công Thương đã giao cho.

Theo Bộ trưởng, đây là thời điểm, doanh nghiệp nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp đầu mối đều phải nỗ lực hết mình. Các doanh nghiệp sản xuất phải tiếp tục nỗ lực đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt.

"Các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ", Bộ trưởng Công Thương yêu cầu.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 1388/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các đề xuất kiến nghị của 28 thương nhân đầu mối, ngày 4/11/2022, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn số 1388/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương có ý kiến và gửi về Bộ Tài chính trong ngày 4/11/2022 để kịp thời điều chỉnh trong kỳ điều hành gần nhất.

Trước đó, qua theo dõi tình hình, diễn biến thị trường xăng dầu, Bộ Tài chính đã chủ động có các văn bản số 10856/BTC-QLG, 10859/BTC-QLG ngày 21/10/2022; các văn bản số 11305/BTC-QLG và công văn số 11306/BTC-QLG ngày 2/11/2022 đề nghị Bộ Công Thương và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phối hợp báo cáo các chi phí kinh doanh xăng dầu.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục