NHTMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết đã bắt đầu giải ngân những món vay đầu tiên của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Tính đến nay số lượng hồ sơ đăng ký đang được TPBank xử lý trên 83 bộ, đa số là hồ sơ vay hỗ trợ mua nhà, trong số đó có những hồ sơ đầu tiên đã chính thức được TPBank giải ngân.
Tiếp theo, NHTMCP Sài gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết, từ ngày 2/3 sẽ chính thức triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi. Theo đó, mức lãi suất áp dụng cho vay của SHB năm 2015 là 5%/năm. Thời gian áp dụng lãi suất vay ưu đãi lên đến 15 năm đối với khách hàng mua nhà ở thương mại và 10 năm đối với khách hàng xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở từ thời điểm khách hàng giải ngân lần đầu tiên.
Tính đến giữa tháng 1/2015, sau gần 2 năm, tổng số tiền mà các ngân hàng giải ngân theo gói 30.000 tỷ đồng mới đạt 4.882 tỷ đồng, tức mới đạt hơn 16%. Với tiến độ trên, thì việc giải ngân gói tín dụng này sẽ không đạt mục tiêu đề ra ban đầu (hoàn thành giải ngân vào 1.6.2016). Giữa tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 61 về cho vay hỗ trợ nhà ở.
Đầu năm 2015, NHNN đã cho phép thêm 10 NHTM tham gia giải ngân gói tín dụng này, đồng thời mở rộng đối tượng vay vốn. Theo đó, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động được vay vốn để mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp và xây, sửa chữa nhà (Thông tư 32/2014/TT-NHNN). Tuy nhiên, dù chính sách mới đã được ban hành và có hiệu lực từ cuối năm 2014 song đến nay, nhiều NH vẫn chưa triển khai. Theo số liệu của NHNN, tính đến 31.1.2015, mới chỉ có 5 NH có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MHB) là đã giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Còn lại 10 NH chưa giải ngân một đồng nào gói này.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, hàng loạt NHTMCP đăng ký tham gia giải ngân gói 30.000 tỉ đồng là để “làm hàng”, chứ thực chất không mặn mà vì lợi nhuận thu về từ gói tín dụng thấp hơn nhiều so với các gói vay thương mại. Theo cán bộ tín dụng của một NH thuộc diện cho vay gói này thì họ chỉ được hưởng mức “phí” chênh lệch khi cho vay khoảng 1,5%. “Mức này khó bù đắp được rủi ro, chi phí khi thực hiện cho vay. Ngoài ra, việc bị “khoán” định mức phải cho vay thương mại hàng tháng khá cao nên đa phần cán bộ tín dụng đều “lờ” gói vay ưu đãi để hướng khách hàng sang gói vay thương mại, chưa kể gói tín dụng 30.000 tỉ đồng còn giải ngân chậm do vướng mắc rất nhiều thủ tục, đặc biệt là việc xin xác nhận tại chính quyền địa phương”, cán bộ tín dụng này cho biết. Khoản phí bôi trơn để xác nhận hồ sơ tại địa phương cũng là một yếu tố được cán bộ tín dụng này cho rằng làm gói tín dụng ưu đãi chậm được giải ngân.
Ở một diễn biến có liên quan, Thống đốc NHNN vừa đã ban hành văn bản yêu cầu Ngân hàng BIDV làm đầu mối phối hợp các NHTM nhà nước hoàn thiện lại nội dung chương trình hỗ trợ nguồn vốn thực hiện việc cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà của các NHTM nhà nước. Trong đó, tập trung làm rõ các nội dung về đối tượng áp dụng, lãi suất và thời hạn vay, nguồn vốn hỗ trợ, đảm bảo không trùng lắp với các chương trình đang thực hiện, hạn chế việc lợi dụng chính sách của Nhà nước để đầu cơ, trục lợi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Với các giải pháp trên, đại diện của NHNN nhấn mạnh, trong năm 2015 tiến độ giải ngân chương trình sẽ tiếp tục tăng lên và người lao động sẽ có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Theo Lao Động