CNBC cho biết, Liên Hiệp Quốc, Mỹ và các đồng minh đang tăng cường lệnh trừng phạt nhằm tạo áp lực khiến Bình Nhưỡng phải từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là chiến lược thất bại.
Công nhân trong nhà máy dệt Kim Jong Suk tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Theo đó, các biện pháp trừng phạt chỉ làm tăng thêm khả năng cạnh tranh, sự sáng tạo trong việc lách luật của các công ty Triều Tiên. Sức mạnh của nền kinh tế khép kín nhất thế giới không bị bóp nghẹt, mà trên thực tế vẫn sống khỏe để cung cấp tài chính cho chính phủ của ông Kim Jong-un tiếp tục xây dựng đế chế vũ khí hạt nhân.
John Park - giảng viên Trường Harvard Kennedy cho rằng" "Các lệnh trừng phạt sẽ khiến Triều Tiên nghĩ ra nhiều cách sáng tạo hơn để làm kinh doanh".
Doanh nghiệp Triều Tiên muốn có công nghệ, hàng hóa bị cấm có thể thông qua các trung gian tại Trung Quốc và chấp nhận mất phí. Với việc Bình Nhưỡng ngày càng chịu nhiều lệnh trừng phạt, các đầu mối trung gian người Trung Quốc thay vì sợ hãi, sẽ nhìn thấy cơ hội kiếm nhiều tiền hơn do rủi ro cao hơn. Nhìn chung, các lệnh trừng phạt sẽ chỉ khiến ngày càng nhiều trung gian sẵn sàng tham gia mạng lưới này để kiếm tiền, Park cho biết.
“Chúng ta đang tạo ra thị trường hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn cho Triều Tiên, nhất là ở Trung Quốc. Rồi chúng ta sẽ thấy, càng nhiều biện pháp chế tài mới thì lại càng có nhiều phiên bản kinh doanh sáng tạo được sinh ra”, ông Park nói.
Theo Reuters, dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc từ năm 2006 nhưng kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất 17 năm vào năm ngoái.
Hồi tháng 2, Liên hợp quốc cũng nhận xét các lệnh trừng phạt kinh tế lên nước này không hiệu quả. Nguyên nhân là Triều Tiên vẫn biết cách lách "bằng các biện pháp ngày càng tăng về quy mô và độ tinh vi".
Một số ý kiến cho rằng lệnh trừng phạt quốc tế chưa đủ mạnh và Trung Quốc chưa nghiêm túc trong việc kiềm chế nước láng giềng. Dù Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu từ Bình Nhưỡng, xuất khẩu vẫn tăng 30% trong nửa đầu năm.
Trâm Anh