BV Mắt TP. Hồ Chí Minh: Gói thầu có dấu hiệu đội giá hàng tỷ đồng, chưa rõ nguyên nhân?

Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tổ chức đấu thầu hàng trăm gói với tổng giá trị hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của bệnh viện này đang để lại những băn khoăn khi một gói thầu có dấu hiệu đội giá cao hơn giá nhập khẩu khoảng 11 tỷ đồng.

100% sản phẩm mua sắm giá cao?

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm là khung pháp lý đồng bộ, thống nhất về mặt chính sách nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật không nghiêm tại một số địa phương, đơn vị đã tạo đà cho nhiều cơ sở y tế “bắt tay” doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối trang thiết bị y tế “thổi giá” nhằm trục lợi.

Điều này đã được phơi bày khi thời gian qua, bộ Công an và công an các tỉnh, thành liên tục điều tra, khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo Sở, giám đốc bệnh viện, giám đốc doanh nghiệp... liên quan đến vi phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Trước thực trạng đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu tại các bệnh viện công trên cả nước - nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp nghành Y tế nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, hạn chế những mất mát đáng tiếc về nhân sự có trình độ.

Đi sâu tìm hiểu về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại bệnh viện Mắt TP.HCM (sau đây gọi tắt là BV Mắt), PV nhận thấy có những dấu hiệu bất thường.

Cụ thể, gói thầu Mua sắm vật tư tiêu hao cho phẫu thuật phaco do Phó Giám đốc Đỗ Quốc Hiệp ký Quyết định số 719/QĐ-BVM phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 3/8/2022.

Ông Đỗ Quốc Hiệp ký Quyết định số 719/QĐ-BVM.
Ông Đỗ Quốc Hiệp ký Quyết định số 719/QĐ-BVM.

Mặc dù được triển khai đấu thầu rộng rãi trong nước và qua mạng, nhưng sau khi thông báo mời thầu thì chỉ có công ty Cổ Phần Dược Thiết bị Y tế Đà nẵng tham gia dự thầu và trúng với giá 22.963.804.776 đồng (Hai mươi hai tỷ, chín trăm sáu mươi ba triệu, tám trăm linh bốn nghìn, bảy trăm bảy mươi sáu đồng).

So với giá dự toán 22.964.550.500 đồng, sau quá trình đấu thầu, chủ đầu tư là BV Mắt chỉ có thể tiết kiệm được số tiền 745.724 đồng, đạt tỉ lệ 0,003%.

Qua tìm hiểu tất cả sản phẩm có trong gói thầu, PV nhận thấy đều chênh lệch cao hơn so với giá nhập khẩu từ vài chục triệu cho đến hàng tỷ đồng.

Đơn cử, sản phẩm Cassette -tip 0.9mm tương thích máy Infiniti (tip 0.9mm; Hãng sản xuất: Alcon, Mỹ) được BV Mắt phê duyệt mức giá 2.539.944 đồng/cái. Trong khi đó, PV được biết sản phẩm này nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam có giá 33 USD/cái, khoảng 788.530 đồng (quy đổi tỉ giá ở thời điểm nhập khẩu). Khi cộng thêm 15% thuế VAT và nhập khẩu thì thiết bị này cũng chỉ có giá trên 900.000 đồng.

Nếu dùng mức giá này để so sánh với số lượng 5.400 cái mà BV Mắt đã mua, tổng tiền chênh lệch thấp hơn so với giá gói thầu khoảng 8,8 tỷ đồng.

Tương tự, đầu cắt dịch kính tương thích máy Infiniti (Hãng sản xuất: Alcon, Mỹ) có giá 2.923.965 đồng. Còn giá nhập khẩu sản phẩm này khi cộng thêm thuế cũng chỉ 2.327.769 đồng. Với 2.000 cái, tổng số tiền chênh lệch lên tới hơn 1,1 tỷ đồng.

Dây dẫn laser 23G tương thích máy Constellation (Hãng sản xuất: Alcon, Mỹ) có giá trúng thầu 5.777.244 đồng/cái. Nhưng theo tìm hiểu, giá nhập khẩu của sản phẩm này cũng chỉ 3.406.663 đồng/cái (bao gồm 10% thuế VAT và nhập khẩu), với 300 cái, tổng số tiền thấp hơn so với giá thầu khoảng 700 triệu đồng.

Tổng số tiền chênh lệch của 6 sản phẩm lên tới hơn 11 tỷ đồng.

Tổng số tiền chênh lệch của 6 sản phẩm lên tới hơn 11 tỷ đồng.

Biết rằng nhà thầu phải chịu thêm một số chi phí khác khi đưa sản phẩm đến chủ đầu tư như kho bãi, vận chuyển… Thế nhưng, tổng số tiền chênh lệch của gói thầu so với giá nhập khẩu lên tới hơn 11 tỷ đồng là rất lớn.

Liệu việc xây dựng giá dự toán, thẩm định và phê duyệt giá dự toán đã thực sự đúng và đủ hay chưa? Trong quá trình lập dự toán gói thầu thì căn cứ để tham khảo mức giá sản phẩm thế nào?

Để giải đáp những thắc mắc này nhằm đóng góp thông tin đa chiều, hữu ích, PV đã liên hệ tới BV Mắt TP.HCM nhưng không nhận được phản hồi.

Cần thanh tra vào cuộc

Được biết, nguồn thu viện phí, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của bệnh viện.

Khi thực hiện nghiên cứu đề tài này, chúng tôi vẫn có niềm tin rằng, sẽ không có chuyện nâng giá thiết bị y tế để trục lợi tại gói thầu đã nêu ở trên. Nhưng với con số chênh lệch giá lên đến hơn 11 tỷ đồng thì thiết nghĩ, phía BV Mắt, cơ quan chủ quản hay các cơ quan hữu quan cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra.

Việc làm này không những minh bạch thông tin trước dư luận mà còn tránh điều tiếng cho chủ đầu tư, nhà thầu cũng như đơn vị thẩm định giá và cả cơ quan chủ quản của BV Mắt là sở Y tế TP.HCM.

Trao đổi với PV, luật sư Dương Văn Phúc, đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế đánh giá: “Để xem xét có vi phạm pháp luật đấu thầu hay không thì cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh kiểm tra toàn bộ quá trình đấu thầu, từ phương thức, kế hoạch, quy trình lựa chọn nhà thầu, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu…

Xem xét từng giai đoạn, vai trò của các cá nhân tổ chức có liên quan xem họ có làm theo đúng quy trình thủ tục, có việc móc nối, đi đêm với nhau hay không, có việc dần dựng quân xanh quân đỏ, hay có nhiều hành vi cản trợ tham gia của các nhà thầu khác hay không… Nhận diện các nhà thầu trúng thầu có lịch sử, có thật sự là đơn vị trúng thầu có năng lực hay không? Liệu có câu chuyện sân sau, ưu ái hay không?”.

“Nếu xác định được tiêu cực xảy ra thì chắc chắn chủ đầu tư, đơn vị xây dựng giá dự toán và phê duyệt sẽ phải chịu trách nhiệm. Chủ đầu tư là chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên nếu quá trình lựa chọn nhà thầu có sai phạm, bởi lẽ đây là chủ thể có thẩm quyền phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu, như phê duyệt kế hoạch, phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu”, luật sư Phúc nhấn mạnh.

Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

  1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
  2. a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
  3. b) Thông thầu;
  4. c) Gian lận trong đấu thầu;
  5. d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

  1. e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
  2. g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
  3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
  4. a) Vì vụ lợi;
  5. b) Có tổ chức;
  6. c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  7. d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

  1. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ phạm tội với mức xử phạt có thể lên đến 20 năm tù.

Quang Thiện - Thuận Nguyễn

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục