Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.
Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy, hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, gây thất thu NSNN, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và thiệt hại người tiêu dùng.
Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Mới đây, trên tuyến biên giới Tây Nam bộ, lực lượng Công an phát hiện và bắt giữ 04 ghe vận chuyển trái phép 70 tấn đường cát và 20 tấn hàng quần áo cũ tại khu vực biên giới huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Hay trên tuyến biên giới phía Bắc, tại tỉnh Lào Cai lực lượng chức năng đã phát hiện 16 container chứa 440 tấn hạt dẻ có dấu hiệu lợi dụng chính sách hàng tạm nhập-tái xuất thẩm lậu vào nội địa.
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm bị là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà,... Điển hình là vụ việc ngày 24/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ 3.000 điếu xì gà của một hành khách mang từ Cuba về Việt Nam.
Tuyến đường biển, cảng biển lại ghi nhận nhiều hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá. Như vụ ngày 14/4, tại vùng biển Quảng Ngãi, các lực lượng bắt quả tang một tàu nước ngoài đang bơm xăng, dầu sang một tàu Việt Nam; tang vật thu khoảng 2.250 m3 xăng A95 không có hóa đơn, chứng từ.
Tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thường xuyên xảy ra tại thị trường nội địa.
Như vậy, 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN đạt trên 6.165 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47 % so với cùng kỳ 2018), với 1.546 đối tượng (tăng trên 56% so với cùng kỳ 2018).
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn.
Liên quan tới chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã nhắc đến vụ việc vừa qua được dư luận đặc biệt quan tâm khi nhãn hàng Asanzo dính cáo buộc giả mạo xuất xứ Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông tin: "Chúng tôi đã khởi tố vụ án, chuyển cho cơ quan công an điều tra về hành vi một công ty con nhập khẩu hàng giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ, giả mạo nhãn mác”.
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định Tổng cục Hải quan sẽ làm sâu và sẽ có đủ cơ sở để xử lý vi phạm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết đơn vị sẽ cố gắng trong 2 tuần nữa, sớm đưa ra kết luận về hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm...
Liên quan đến vụ nhập hàng điện tử gia dụng nhãn hiệu Asanzo và linh kiện tivi, máy lạnh từ Trung Quốc cung cấp cho Tập đoàn điện tử Asanzo lắp ráp, ngày 24/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh (trụ sở đường Trần Xuân Soạn, quận 7).
Cục Hải quan TP.HCM cũng quyết định chuyển hồ sơ của 14 công ty khác cho Bộ Công an điều tra, do các công ty này "mất tích" khiến việc kiểm tra sau thông quan bế tắc.
Hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Sa Huỳnh được Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, điều tra ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố.
Hà Phương