Quý IV u ám
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Ricons, doanh thu thuần đạt 2.270 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn được cải thiện, lợi nhuận gộp đạt 97 tỷ đồng, tăng 3 lần. Biên lợi nhuận gộp đạt 4,28%.
Trong quý, Ricons ghi nhận sự đột biến của doanh thu tài chính, đạt 228 tỷ đồng, tăng gấp 9,5 lần so với cùng kỳ, chủ yếu do được chia cổ tức tới 195 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí tài chính tăng 3 lần (đạt 37 tỷ đồng), chịu lỗ trong công ty liên kết 44 tỷ đồng và đặc biệt là việc chi phí quản lý tăng gấp 6 lần (đạt 251 tỷ đồng), Ricons đã lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 8 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng).
Phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác 23 tỷ đồng, chủ yếu là hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình, Ricons mới thoát lỗ và báo lãi trước thuế 15 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 9,6 tỷ đồng, giảm 6%.
Lũy kế 2023, doanh thu thuần của Ricons đạt 7.575 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 188 tỷ đồng, giảm 8%. Biên lợi nhuận gộp đạt 2,48%.
Việc có thêm 292 tỷ đồng doanh thu tài chính và 28 tỷ đồng lợi nhuận khác (hầu hết có được trong quý IV đã nêu trên) lẫn 23 tỷ đồng lãi trong công ty liên kết là không đủ để cân đối với chi phí tài chính lên tới 68 tỷ đồng (tăng gấp 3) và chi phí quản lý 371 tỷ đồng (tăng 2,3 lần).
Bởi vậy, Ricons chỉ có thể kết thúc năm 2023 với khoản lãi trước thuế 92 tỷ đồng, giảm 20% và lãi sau thuế 83 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước (trong đó lãi thuộc về công ty mẹ là 79 tỷ đồng).
Năm 2023, Ricons đặt mục tiêu 6.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 50 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt 26% mục tiêu doanh thu và vượt 58% mục tiêu lợi nhuận.
Dự phòng tăng vọt
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Ricons đạt 7.866 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 4.137 tỷ đồng, giảm 11%, chiếm 52,5% tổng tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng gấp 13 lần, lên 250 tỷ đồng, chủ yếu là do Coteccons.
Hàng tồn kho trong năm đã giảm 17%, còn 758 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng tài sản, trong đó dự án sân bay Long Thành ghi nhận 93 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng gấp 22 lần, lên 288 tỷ đồng, chiếm 3,6% tài sản.
Đáng nói, lượng tiền của Ricons tăng đáng kể, tăng 25%, lên 1.343 tỷ đồng, chiếm 17% tài sản. Trong đó, tiền và tương đương tiền đạt 689 tỷ đồng, giảm 15%; tiền gửi ngân hàng tại khoản “đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn” đạt 654 tỷ đồng, tăng 2,4 lần.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 đạt 5.403 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Đáng chú ý hơn cả là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 790 tỷ đồng, tăng 2,5 lần, chủ yếu của ACV. Bên cạnh đó, nợ vay giảm 19%, đạt 609 tỷ đồng.
Với vốn chủ sở hữu đạt 2.462 ty đồng, tăng 2,2% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Ricons là 2,19 lần, cải thiện phần nào so với hệ số đầu năm là 2,4 lần.
Năm 2023, dòng tiền kinh doanh của Ricons chỉ dương 9 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cũng chỉ dương 39 tỷ đồng. Công ty đã đẩy quy mô dòng tiền vay/trả tăng lần lượt 25% và 2,4 lần so với năm trước, đạt 1.493 tỷ đồng/1.636 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 119 tỷ đồng.
VietnamFinance
In bài viết