Bùng phát kinh doanh game mobile sau cú hích Flappy Bird

Sau câu chuyện của Nguyễn Hà Đông, giới làm game mobile tại Việt Nam đã bùng phát. Rất nhiều người đang làm game trên PC chuyển sang làm game mobile hoặc tham gia mới vào thị trường này bởi họ có một hình mẫu để học theo.

Đầu năm 2014, giới làm game xôn xao về tên tuổi Nguyễn Hà Đông, tác giả của trò chơi Flappy Bird trên các thiết bị di động với hàng triệu lượt tải và nhiều game "nhái" theo. Áp lực đã khiến chàng cựu sinh viên trường Bách Khoa phải gỡ trò chơi, song đến nay Flappy Bird vẫn là một câu chuyện đáng phân tích, mổ xẻ trong ngành công nghệ cũng như lập trình viên Việt Nam.

"Thành công của Flappy Bird minh chứng một điều là thị trường game còn rất nhiều tiềm năng và nhiều thú vị. Ai cũng có cơ hội vàng như nhau để tạo ra điều kỳ diệu như Flappy Bird từng mang lại", hãng Appota đánh giá.

Chia sẻ với VnExpress.net, anh Lê Hồng Sơn - CEO một Studio phát triển game tại Hà Nội cho biết anh đã bắt đầu tìm hiểu thị trường ngay khi thế giới chuyển dịch sang xu hướng dùng điện thoại di động nhiều hơn và tập trung giải trí trên thiết bị này. Đầu năm 2013, nhận thấy cơ hội đã đến, từ việc tập trung phát triển game và các ứng dụng trên web, anh chuyển hẳn vào mobile.

"Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường game lớn nhất Đông Nam Á, nhưng game mobile mới thực sự bùng nổ từ năm 2013. Với sự phát triển của công nghệ và việc phổ thông hóa smartphone như hiện nay, game mobile đang có nhiều thuận lợi để phát triển", vị CEO này đánh giá.

Anh Phạm Công Hoàng - Phó Tổng giám đốc FPT Online phụ trách khối game cũng nhận xét sau câu chuyện của Nguyễn Hà Đông, giới làm game mobile tại Việt Nam đã bùng phát. Rất nhiều người đang làm game trên PC chuyển sang làm game mobile hoặc tham gia mới vào thị trường này bởi họ có một hình mẫu để học theo.

Giám đốc một công ty game mới thành lập tại Cầu Giấy cho biết sau nhiều năm làm nhân viên cho một đơn vị lớn tại Việt Nam, anh cùng bạn bè hùn vốn một tỷ đồng để tự làm ăn. Ban đầu, công ty sẽ phải chuẩn bị các chi phí để thuê chỗ làm việc, mua máy móc, nhất là điện thoại di động vì làm game đòi hỏi cần test, chi phí cho nhân viên, thuê server, quảng cáo...

"Công ty làm game hay kinh doanh bất cứ ngành nghề nào cũng cần những chi phí cơ bản như chi phí văn phòng, trả lương… nhưng không quá nhiều. Điều quan trọng nhất khi phát triển game mobile không nằm ở vấn đề tài chính mà là định hướng cho toàn đội. Dựng được một đội phát triển game đã khó, hướng cả đội đi theo một hướng chung còn khó hơn", anh Lê Hồng Sơn bộc bạch.

Bùng phát kinh doanh game mobile sau cú hích Flappy Bird - Ảnh 1
Bỏ ra 10 triệu đồng, Dương đang kỳ vọng thu về gấp đôi số tiền đã bỏ ra từ bimgear.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều lập trình viên cũng nung nấu ý tưởng tự sáng tạo nên các trò chơi để trải nghiệm sự thành công, do game mobile có nhiều đất để phát triển. Lê Hoàng Dương - một lập trình viên 28 tuổi cho biết cách đây ba tháng, anh đã tự chi tiền để xây dựng một game trên mobile, dựa trên ý tưởng bảo vệ môi trường và cứu động vật quý hiếm (Rescue your pet). "Đây là lần đầu tiên mình bỏ tiền ra làm game. Số tiền bỏ ra không cần quá lớn, song điều quan trọng nhất là ý tưởng", lập trình viên trẻ này bày tỏ.

Noi theo kinh nghiệm của tác giả Flappy Bird, Dương cho rằng hướng khả dĩ nhất cho những người start up (khởi nghiệp) từ game chính là phát triển các trò chơi nhỏ, với giao diện đơn giản song tạo cho người dùng cảm giác nhân vật dễ thương, ngộ nghĩnh với độ khó ngày càng cao.

Chung hướng như Dương, nhiều bạn trẻ cũng đang "cày cục" tự viết game để theo đuổi đam mê cũng như kiếm thu nhập. Bùi Xuân Thăng - một lập trình viên liên quan đến âm nhạc quyết định không đi làm mà ở nhà để làm game. Thậm chí, anh Tuấn - một người đang có công việc ổn định tại cơ quan nhà nước cũng đang tính đầu tư để viết trò chơi trên mobile.

Thu nhập của game mobile, được những nhân vật trong ngành nhận định chủ yếu đến từ quảng cáo. Ngay sau khi hoàn thiện, tác giả có thể đưa trò chơi lên các chợ ứng dụng lớn như Google Play, Apple Store... để thu hút người chơi và có thu nhập từ quảng cáo đính trong trò chơi. Mỗi lượt quảng cáo hiện lên trên màn hình người chơi, số tiền thu về khoảng 0,02 đôla Mỹ hoặc tùy theo nhà cung cấp công cụ. Nếu được khoảng 50.000 lượt tải về, nhà phát triển game hưởng 1.000 USD từ quảng cáo.

Theo anh Lê Hồng Sơn, quảng cáo chỉ là hướng đi ban đầu, ngoài ra các game mobile sẽ đều áp dụng thêm hình thức In-app Pucharse (Bán vật phẩm trong game). "Game mobile có rất nhiều cách tạo doanh thu. Từ các mô hình hợp tác quảng cáo như game Bắt Chữ, Flappy Bird,... bán đồ trong game, thậm chí doanh thu cũng có thể đến từ việc người dùng phải trả tiền để tải game đó về, miễn là sản phẩm đủ hay và chất lượng", vị này nói.

Tuy nhiên, cộng đồng làm game mobile cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn không lường trước được. Với các cá nhân làm game độc lập, khó nhất là tìm người chơi. Doanh thu chỉ có khi trò chơi được người dùng tải về. Muốn vậy, game phải đứng ở những vị trí đầu trên các kho ứng dụng và muốn vậy tác giả sẽ phải chi tiền để quảng cáo, giữ chỗ cho game của mình. Theo Dương, đây là điều cực khó với những cá nhân tự đi làm game vốn không có nhiều tiền bởi mỗi ngày có hàng nghìn game được tải lên kho ứng dụng, trong đó có nhiều game có từ khóa giống hết nhau, cạnh tranh rất lớn.

Với các công ty, anh Sơn cho biết doanh thu lớn nhưng đồng nghĩa với đó là rủi ro cao. Không phải ai cũng có thể chấp nhận việc bỏ ra cả tỷ đồng nhưng có thể thất bại chỉ sau 6 tháng tới một năm nếu game không được cộng đồng đón nhận.

Ngoài ra, nếu đầu tư vào mảng này cần có một hướng đi rõ ràng và nghiêm túc. "Ở Việt Nam, rất nhiều các team, công ty được mở ra với mục đích làm game mobile hướng đến sinh lợi nhanh nhưng chỉ sau vài tháng hoặc một năm không có kết quả là tự động giải thể, đó là kết quả của việc không tập trung vào sản phẩm và thiếu tầm nhìn", vị này CEO này phản ánh.

Biết việc phát triển game rất vất vả, thành công không thể đến nhanh nhưng cộng đồng làm game mobile cho biết trên hết vẫn là niềm đam mê và nhiệt huyết. "Game mobile vẫn là thị trường mới đầy tiềm năng và là vùng đất mới chưa được khai phá hết, mặc dù có nhiều sự cạnh tranh khốc liệt nhưng cơ hội ở đây được chia đều cho tất cả miễn là biết cách nắm bắt nó", anh Sơn nhận xét.

Trong khi đó, với nhóm của Dương, sắp tới anh và các bạn trẻ sẽ tiếp tục sáng tạo thêm nhiều game mới. Nếu cộng dồn nhiều game lại, các lập trình viên có thể kiếm được hàng nghìn USD. "Mình tự tin với các ý tưởng", cậu lập trình viên này nhấn mạnh.

Mơ ước của cộng đồng làm game mobile độc lập là có một sân chơi, có mô hình và cơ cấu tổ chức tương tự với các sân chơi truyền hình hiện nay ở Việt Nam để các cá nhân làm game có dịp được tỉ thí và trình bày những sản phẩm, Dương bộc bạch.

Theo Vnexpress

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục