Bức tranh kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2017

(Kinhdoanhnet) - Với hàng loạt những đánh giá tích cực như "khởi sắc", "chuyển biến tích cực" hay "cải thiện", có thể nói bức tranh kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2017 mang một gam màu sáng.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc về Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới, kinh tế toàn cầu đã khởi sắc trong những tháng đầu năm, với sản lượng công nghiệp trong thời gian này đã phục hồi khiêm tốn cùng với hoạt động thương mại, chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu từ khu vực Đông Á tăng mạnh.

Bức tranh kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2017 - Ảnh 1
Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm khởi sắc. Ảnh minh họa

Cũng nhận định lạc quan về tình hình kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, dự báo sẽ tăng tốc trong ngắn hạn, phản ánh sự gia tăng trong hoạt động tại các nền kinh tế phát triển, sự chuyển dịch trong chính sách kinh tế vĩ mô tại Mỹ và sự ổn định tại các nền kinh tế mới nổi.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng nhận định, thời gian qua kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu cải thiện: đầu tư, thương mại cũng như công nghiệp đều có bước nhảy vọt, niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng được khôi phục, hầu hết các nước sản xuất nguyên liệu đều có triển vọng sáng nhờ giá dầu và nhiên liệu tăng.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, việc chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, bất ổn địa chính trị hay những tàn dư của khủng hoảng tài chính là những rủi ro đe dọa đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Tổng giám đốc IMF bà Christine Lagarde cho biết, sau 6 năm tăng trưởng ì ạch, kinh tế thế giới cuối cùng cũng lấy lại đà tăng trưởng, nhưng cảnh báo về những nguy cơ có thể nảy sinh từ tình hình chính trị thiếu chắc chắn tại châu Âu, liên quan đến một số cuộc bầu cử tại một số nước châu Âu, trong đó có Đức, và làn sóng bảo hộ dấy lên ở một số nước, cản trở hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu.

Không phải vô cớ mà tổng giám đốc IMF lại đưa ra cảnh báo này. Nó được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết sẽ áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa từ các quốc gia mà ông cho là gây tổn hại cho người lao động Mỹ. Ông Trump từng dọa sẽ tăng mức thuế đánh vào các hàng hóa nhập từ Trung Quốc và Mexico lên tới 45%, trừ khi hai nước này dừng các biện pháp mà ông cho rằng vi phạm quy định thương mại.

Theo WB, "những hạn chế mới về thương mại có thể làm hỏng sự phục hồi trên toàn cầu" khi Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế trả đũa đối với một số đối tác, bao gồm Trung Quốc, Đức...

IMF cũng nhận định triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu đã được cải thiện đáng kể, song cảnh báo các quốc gia này sẽ tiếp tục phải gánh chịu những tàn dư của khủng hoảng tài chính toàn cầu, như nợ doanh nghiệp cao hay mức tăng trưởng năng suất thấp.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục