Từ năm 2002-2008, chợ đầu mối phía Nam thuộc sự quản lý của Ban quản lý (BQL) chợ Hoàng Mai và điểm đỗ xe công cộng Đền Lừ. Chợ được xây dựng trên diện tích 2,1 ha với chức năng chính là giảm tải cho chợ Long Biên.
Năm 2007, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, điểm đỗ xe công cộng Đền Lừ có diện tích 21.700 m2 hợp khối về chợ đầu mối phía Nam, đồng thời chợ được chuyển giao về Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Tổng công ty Hapro) với mục tiêu sẽ xây dựng chợ trở thành trung tâm kinh doanh đầu mối nông sản của Hà Nội.
Nhưng những bất cập tại chợ đầu mối phía Nam vẫn tồn tại lâu nay như vấn đề về An toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc nông sản, thực phẩm và tình trạng thu tiền người dân vào chợ mua thực phẩm đang là “vấn nạn” chưa thể xử lý triệt để.
“BOT” thu phí người dân vào chợ.
“BOT” chợ “Hapro”!?
Là nơi tập trung nhiều loại thực phẩm nông sản phong phú, đa dạng cùng với đó là giá cả “siêu” mềm, chợ đầu mối phía Nam là địa điểm được nhiều người tìm đến mua bán. Tuy nhiên, để có thể vào mua thực phẩm tại chợ đầu mối phía Nam, người dân bắt buộc phải đi qua trạm “BOT” với mức giá 3.000 đồng/lượt.
Theo ghi nhận của PV, chợ đầu mối phía Nam luôn nhộn nhịp, tấp nập người ra vào mua bán. Tại khu chợ đầu mối phía Nam có 03 cổng vào, trong đó có 01 cổng chính và 02 cổng phụ hai bên và tại mỗi cổng đều có từ 1-2 người (tuỳ theo thời điểm mà có đến hai người, phụ thuộc vào số lượng người dân đến mua thực phẩm…) đứng ra thu phí “qua cửa” với mức giá là 3000 đồng/lượt.
Chợ đầu mối phía Nam mở cửa 24/24h, trong đó hoạt động chính từ 2h- 5h sáng. Thời gian từ 7h – 10h sáng là thời gian cao điểm tập trung nhiều người tìm đến mua thực phẩm, nông sản. Lúc này, tại cổng chính chợ sẽ có thêm một “nhân sự” phụ giúp việc thu vé người đi vào chợ. Nói là thu tiền vé vào chợ nhưng những người này chỉ đứng ra thu tiền, còn vé thì có người đưa, người không.
Khi PV thắc mắc việc tại sao vào chợ lại bị mất phí, một người đứng tại cổng phụ thu tiền không trả lời mà chỉ nói ngắn gọn “đưa 3.000đ đây” rồi lại tiếp tục công việc ra hiệu cho những người vào chợ khác dừng lại “nộp” phí “BOT” mà không quan tâm, giải thích với PV. Thậm chí, khi số lượng người dồn ứ quá nhiều, một số người dân di chuyển vào chợ mà không nộp phí, những người thu phí cũng “tặc lưỡi” cho qua để tiếp tục thu của người khác. Một điểm đáng chú ý là những người thu tiền người dân đều không mặc đồng phục, không đeo thẻ (chứng minh là nhân sự, đủ pháp nhân làm việc).
Theo một số người dân vào chợ, bản thân họ cũng không biết tại sao lại thu phí người vào chợ. Bên cạnh việc bỏ tiền ra mua thực phẩm, họ lại chịu thêm mức phí 3000 đồng từ “trên trời rơi xuống”.
Bà N.T - một người dân vào chợ cho biết: “Tôi cũng thắc mắc việc tại sao lại thu phí người dân vào chợ. Nhiều lúc đi vào chợ mua trái ớt, mớ rau cũng mất thêm 3000 đồng. Phí chồng phí, nhưng vì không muốn mất thời gian tranh cãi nên tôi cũng chấp nhận đóng cho nhanh”.
Không có chuyện thu phí!?
Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với Ban Quản lý chợ đầu mối phía Nam để tìm câu trả lời. Ban Quản lý chợ đầu mối phía Nam (BQL) khẳng định không có chuyện thu phí với mức giá 3000 đồng/lượt như PV đã cung cấp và cho rằng dư luận, người dân đang “hiểu nhầm” sự việc.
Nhân viên gác "trạm BOT” không đồng phục, không thẻ đeo…
Theo BQL chợ cho biết, khi người dân đi vào chợ đầu mối Phía Nam theo quy định bắt buộc phải để xe, gửi xe bên ngoài. Phí gửi xe là 3000 đồng/lượt, tuy nhiên do thực tế số lượng người tại những thời gian cao điểm quá đông, diện tích chợ đầu mối phía Nam lớn (gần 03 ha) khiến người dân vào chợ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển cũng như diện tích gửi xe hạn chế và người dân cũng có ý kiến về việc này nên BQL chợ đã cho phép người dân đi phương tiện vào trong chợ.
“Để tạo điều kiện cho người dân, phía mình đã tạo điều kiện để người dân đi phương tiện vào chợ. Phí 3.000 đồng/ lượt được coi là phí gửi xe”, BQL chợ cho hay.
Về việc này, BQL chợ khẳng định thêm, việc thu phí gửi xe là tự hiểu “ngầm” với nhau, về văn bản không có quy định nào được phép thu phí người vào chợ. Còn nếu có tình trạng thu phí người dân đi bộ vào chợ thì BQL chợ cho biết có thể do “hiểu nhầm” từ phía những người thu phí!?
Hơn nữa, nhân viên gác trạm “BOT” lại đưa vé “gửi xe” một cách đầy ngẫu hứng, người đưa, người không thì làm thế nào phía BQL chợ thống kê, kiểm toán, quản lý được đầy đủ số tiền đã thu? Và số tiền trên được những người không rõ danh tính kia thu sẽ sử dụng và đưa đi đâu sau khi kết thúc phiên chợ?
Nhiều người đặt câu hỏi, đây có phải việc thu phí tự phát theo hình thức “bảo kê” hay không bởi nhân viên gác trạm “BOT” chợ không hề mặc đồng phục, cũng không hề có giấy tờ gì chứng minh là người của BQL chợ, cơ quan chức năng có thẩm quyền được phép thu phí?
Được biết, chợ đầu mối phía Nam do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) làm chủ đầu tư chủ trương không thu bất cứ loại phí nào đối với người có nhu cầu vào chợ mua thực phẩm, nông sản… Vậy dấu hỏi đặt ra là những người đứng ra thu phí kia, họ là ai? Số tiền thu phí sẽ được đưa về đâu và tại sao việc thu phí đã diễn ra thời gian dài nhưng vẫn không bị phát hiện kiểm tra, xử lý? Đây có phải do sự buông lỏng quản lý chợ đầu mối phía Nam?
Về việc này, Tổng công ty Hapro - BQL chợ cũng chưa đưa ra bình luận về danh tính cũng như thẩm quyền chức năng của những người thu phí tại chợ đầu mối phía Nam. Bên cạnh đó, BQL chợ cũng từ chối cung cấp về việc kiểm toán, quản lý phí thu tại chợ vì cho rằng đây là “chuyện riêng” của BQL chợ!?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc trên!
Bình An/KD&PL