Bộ Tài chính: 69 doanh nghiệp chậm thanh toán 19.200 tỷ đồng trái phiếu

3 tháng đầu năm 2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp, tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng.

Theo báo Lao động, chiều 7/4, Bộ Tài chính có thông cáo về tình hình công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, trong đó có nhiều thông tin liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, trong quý I/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành là 24.708 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng. Lãi suất trung bình 7,75%/năm và kỳ hạn bình quân là 2,37 năm.

Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm khối lượng phát hành lớn nhất.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm khối lượng phát hành lớn nhất.

Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp, tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng. Trong đó 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng (tương đương 50% khối lượng chậm thanh toán).

Đáng chú ý, thông tin trên báo Đại biểu nhân dân, các chuyên gia cho biết điểm chung của các tổ chức phát hành rơi vào tình trạng chậm trả trái phiếu đều có chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ, như: mức đòn bẩy nợ rất cao; dòng tiền trả nợ yếu do vay nợ tăng nhưng vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình...

Theo Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, kết quả phân tích báo cáo tài chính của 33 tổ chức phát hành bất động sản chậm trả minh chứng rõ hơn cho nhận định trên. Theo đó, đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên, tài sản hữu hình (thường là tài sản sinh lời của các công ty bất động sản) có mức tăng khiêm tốn từ 25.000 tỷ đồng (2017) lên 33.000 tỷ đồng (2021).

Trong khi đó, khoản phải thu (thường đến từ hợp đồng cho vay các bên liên quan) và khoản đầu tư dài hạn (thường là khoản đầu tư vào các công ty con và liên kết) lại tăng gấp hơn 4 lần. Vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh do EBITDA chỉ tăng 4 lần trong khi nợ vay tăng 15 lần.

Trước đó, tại cuộc họp lần thứ 3 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định hoạt động thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đặc biệt lưu ý các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thanh toán đầy đủ đối với các trái phiếu đến hạn.

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục