Bộ GTVT không đồng thuận nhập 37 toa tàu 40 năm của Nhật Bản

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đang lấy ý kiến song quan điểm là không đồng thuận về đề xuất nhập 37 toa tàu 40 năm tuổi từ Nhật Bản.

Chiều 6/11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ tháng 10/2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan, trong đó, có Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT... cho phép nhập khẩu 37 toa xe được phía Nhật Bản tặng, cho. Số toa tàu này đã qua sử dụng, được sản xuất từ 1979 và 1982. Trước đề xuất trên, Bộ GTVT đã tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành và trong vài ngày nữa sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng.

Tuy nhiên, ông Đông cũng nhấn mạnh quan điểm sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất này trong điều kiện khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhưng phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT 'không đồng thuận' đề xuất nhập toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT 'không đồng thuận' đề xuất nhập toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn chứng, Luật đường sắt năm 2017, tại điều 32 đã quy định về đăng kiểm các phương tiện. Trong đó, với phương tiện đường sắt khi đưa vào sử dụng phải còn niên hạn do Chính phủ quy định. Đồng thời, phải được đăng kiểm định kỳ đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

"Chính phủ đã có Nghị định 65 quy định, đối với phương tiện đường sắt nhập khẩu thì phải dưới 10 năm đối với toa xe, đầu máy chở khách và chở hàng dưới 15 năm. Chúng ta chiếu nhanh theo quy định này sẽ thấy, các toa xe mà Tổng Công ty đường sắt đề nghị nhập sản xuất từ năm 1979 - 1982 thì đã khoảng 39 - 42 năm. Như vậy, không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật", ông Đông nêu rõ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, việc nhập các toa tàu cũ của Nhật Bản về còn phải hoán cải, đăng kiểm lại cho phù hợp, chi phí đó theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khoảng 140 tỷ đồng. Trong khi đó, về các toa xe, Việt Nam có các cơ sở đóng toa xe ở Hà Nội, Dĩ An (Bình Dương), Tp.HCM.

Với những nội dung nêu trên, chúng tôi đang tổng hợp ý kiến nhưng quan điểm của Bộ GTVT là không đồng thuận về vấn đề này và sẽ báo cáo sớm tới Văn phòng Chính phủ", ông Đông nói thêm.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản được sản xuất từ năm 1979 - 1982, đã qua sử dụng do doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản chuyển giao miễn phí với giá 0 đồng để cải tạo, khai thác.

Đáng chú ý, để thực hiện việc chuyển giao, nhập khẩu toa tàu cũ của Nhật Bản để sửa chữa, cải tạo toa tàu và tiến hành vận dụng, khai thác trên các tuyến đường sắt, dự kiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để xin ý kiến đồng ý về chủ trương cải tạo toa tàu DMU đã qua sử dụng gần 40 năm của Nhật Bản.

Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần phải xin chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ sau khi hoàn thành việc nhập khẩu 37 toa tàu của Nhật về nước. Đồng thời, xin ý kiến của các Bộ, ngành cho phép vận dụng, khai thác trên tuyến đường sắt Việt Nam đối với các toa tàu này.

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục