Bộ GTVT vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Công văn nêu rõ,các dự án đầu tư lĩnh vực GTVT cơ bản là dự án có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng hiện hành, thời gian chuẩn bị đầu tư tối thiểu cũng phải cần tới 1,5-2 năm; thời gian thi công dự án nhóm B cần từ 2-3 năm, dự án nhóm A cần 3-4 năm, dự án quan trọng quốc gia cần thời gian dài hơn.
Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn danh mục dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững trên cơ sở gói hỗ trợ này được bố trí vốn tới năm 2025. Trong số 4 nhóm dự án đưa vào Chương trình, đáng chú ý là việc Bộ GTVT đề nghị sử dụng nguồn từ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 để xử lý một số dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa thể tổ chức thu phí hoặc đang thu phí nhưng thường xuyên xảy ra mất an ninh trật tự mà chưa có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo quyền thu phí cho doanh nghiệp BOT hoặc Nhà nước thay đổi vị trí trạm, hình thành tuyến đường song hành không thu phí.
Cụ thể, với 7 dự án BOT không thu phí hoàn vốn được do những nguyên nhân khác nhau, Bộ GTVT đề nghị Nhà nước sử dụng 9.427 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 hoàn trả cho doanh nghiệp BOT.
Bộ GTVT cho hay, nếu không hoàn trả sớm trong năm 2021- 2022, kinh phí mua lại 7 dự án BOT sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian do các doanh nghiệp BOT tiếp tục phải chi trả lãi vay.
Bộ GTVT nhấn mạnh: "Sau khi được chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phối hợp chỉ đạo doanh nghiệp BOT mời kiểm toán xác định chi phí đầu tư dự án như đã quy định trong hợp đồng BOT và tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định".
Danh sách 7 công trình BOT dự kiến được mua lại gồm: Dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 và đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (trạm Bờ Đậu - chưa thu phí) 3.097 tỷ đồng;
Dự án BOT xây dựng mới quốc lộ 26 qua Ninh Hòa và nâng cấp một số đoạn quốc lộ 26 qua Khánh Hòa, Đắk Lắk (trạm Ninh Xuân) 550 tỷ đồng; Dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 91 và 91B tại Cần Thơ (trạm T2) 587 tỷ đồng;
Dự án BOT cầu Thái Hà nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (trạm cầu Thái Hà) 1.466 tỷ đồng;
Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 tránh phía Đông và phía Tây TP Thanh Hóa (trạm Bỉm Sơn - đã dừng thu phí) 741 tỷ đồng;
Dự án BOT nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1.738 - km 1.736 (trạm thu phí km 1.747) 706 tỷ đồng;
Dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2 (không được thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan như phương án tài chính) 2.280 tỷ đồng.
Bên cạnh 7 dự án BOT, Bộ GTVT còn đề xuất các nhóm dự án khác sẽ sử dụng vốn của chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 như sau:
Nhóm các dự án có thể sớm hoàn thành giải ngân vào năm 2022-2023: Đề nghị bố trí 9.628 tỷ đồng cho 1 dự án vốn ODA cần chuyển đổi sang vốn trong nước, thanh toán cho nhà đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 30 qua Tiền Giang và Đồng Tháp đã dừng theo nghị quyết của Quốc hội.
Với nhóm các dự án có thể hoàn thành vào năm 2024, Bộ GTVT đề nghị bố trí 17.582 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình cho 3 dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA chuyển sang sử dụng vốn trong nước và 18 dự án là điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông.
Đối với nhóm các dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, Bộ GTVT đề nghị bố trí 97.236 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình gồm: 3 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh, các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và 4 dự án đường cao tốc khác.
Nhóm các dự án phải chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2025, Bộ GTVT đề nghị bố trí 65.659 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình chủ yếu cho các dự án đường cao tốc, trong đó có 7 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết