BIM Land: Nợ phải trả hơn 19.000 tỷ, bị hạ mức xếp hạng trên Moody's

Nợ phải trả của BIM Land tính hết ngày 30/6 là 19.244 tỷ đồng, trong đó, có hơn 5.500 tỷ đồng tiền nợ trái phiếu. CÔng ty này cũng vừa bị Moody's hạ mức xếp hạng doanh nghiệp và hạ xếp hạng tín phiếu tín chấp cao cấp đối với trái phiếu USD.

Nợ phải trả 19.244 tỷ đồng, nợ trái phiếu chiếm hơn 5.500 tỷ đồng

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 6 tháng đầu năm 2023, Công ty CP bất động sản BIM (BIM Land) có lãi sau thuế hơn 810 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi sau thuế của BIM Land hơn 810 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi sau thuế của BIM Land hơn 810 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung từ 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023 là giai đoạn thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của BIM Land, lợi nhuận sau thuế và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đều sụt giảm.

Đáng chú ý, nợ phải trả của BIM Land đang tăng mạnh theo từng năm. Cụ thể, năm tài chính 2019, nợ phải trả của BIM Land tương ứng 14.820 tỷ đồng; Năm 2020, nợ phải trả là 15.781 tỷ đồng; Năm 2021 nợ phải trả là 18.461 tỷ đồng; Năm 2022 là 18.941 tỷ đồng và đến hết ngày 30/6/2023 là 19.244 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý 2/2023 của BIM Land đạt 7.430 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,59, tương ứng nợ phải trả 19.244 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu chiếm hơn 5.500 tỷ đồng.

Cụ thể, theo dữ liệu trên HNX, BIM Land đang lưu hành 2 lô trái phiếu, trong đó có 1 lô phát hành quốc tế tại thị trường Singapore. Lô trái phiếu quốc tế có giá trị 200 triệu USD (tương đương khoảng 4.600 tỷ đồng), phát hành ngày 7/5/2021. Trái phiếu được bảo lãnh bởi Credit Suisse. Gói trái phiếu bảo lãnh Credit Suisse phát hành cho Bim Land có giá trị xấp xỉ 4.600 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn ngày 7/5/2026. Lãi trái phiếu được thanh toán 6 tháng một lần vào ngày 5/7 và ngày 7/11 hàng năm kể từ ngày 7/11/2021.

Tình hình dư nợ của BIM Land giai đoạn 2020 – 6T2023 (Nguồn: HNX).
Tình hình dư nợ của BIM Land giai đoạn 2020 – 6T2023 (Nguồn: HNX).

Với lô trái phiếu trong nước, BIM Land huy động 1.000 tỷ đồng qua đợt phát hành ngày 30/12/2020 với mục đích đầu tư vào dự án Centara thông qua hình thức hợp tác kinh doanh hoặc một hình thức phù hợp khác. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của 6 thửa đất tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh, thuộc sở hữu của BIM Hạ Long.

Trái phiếu có thời hạn 36 tháng và đáo hạn vào tháng 12/2023. Trái phiếu có lãi suất lần đầu là 10%/năm và các năm tiếp theo là 12%/năm. Đơn vị bảo lãnh phát hành, đại diện trái chủ, đăng ký và quản lý chuyển nhượng là Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities).

Bị Moody's "đánh tụt" xếp hạng

Việc hạ xếp hạng nhóm doanh nghiệp của BIM Land phản ánh các chính sách tài chính yếu kém của công ty và rủi ro quản trị gia tăng.
Việc hạ xếp hạng nhóm doanh nghiệp của BIM Land phản ánh các chính sách tài chính yếu kém của công ty và rủi ro quản trị gia tăng.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investor Service (MIS) - Moody’s là một tổ chức đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng uy tín hàng đầu trên thế giới, bên cạnh Standard & Poor’s và Fitch Ratings.

Moody’s thực hiện các hoạt động dựa trên thang đánh giá mức độ tin cậy và khả năng trả nợ của các công ty. Được đánh giá bằng chính các thông tin, yếu tố phản ánh trong hoạt động kinh doanh của công ty. Qua đó phản ánh về đường lối kinh doanh và các triển vọng có thể thực hiện trong tương lai của doanh nghiệp. 

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service, BIM Land đã kết thúc việc thực hiện chào mua công khai và chấp nhận các hồ sơ dự thầu hợp lệ với tổng trị giá 99 triệu USD cho các trái phiếu USD với mức giá trung bình là 63% mệnh giá.

Quy mô của giao dịch, được thực hiện vào thời điểm môi trường hoạt động ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, có ý nghĩa quan trọng khi BIM Land mua lại gần một nửa số trái phiếu trị giá 200 triệu USD. Ban đầu, công ty đặt mục tiêu mua lại không quá 48 triệu USD trái phiếu.

Theo Yu Sheng Tay - Nhà phân tích của Moody's cho biết, việc hạ xếp hạng nhóm doanh nghiệp của BIM Land phản ánh các chính sách tài chính yếu kém của công ty và rủi ro quản trị gia tăng sau khi thực hiện chào mua công khai, dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể cho các chủ sở hữu trái phiếu và coi giao dịch này là một giao dịch khó khăn, là một hình thức vỡ nợ. Cùng đó, việc hạ xếp hạng không có bảo đảm cao cấp đối với các trái phiếu USD còn lại đối với Caa1 phản ánh khả năng chủ sở hữu trái phiếu phải chịu sự phụ thuộc về mặt pháp lý do tỷ lệ nợ có bảo đảm lớn trong cơ cấu vốn của BIM Land.

Trước đó, BIM Land đã huy động được trái phiếu có bảo đảm trị giá 150 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC, Aaa ổn định). Theo quy định đối với hoạt động chào mua trái phiếu và đấu thầu mới của IFC, các trái phiếu USD không có bảo đảm hiện chiếm chưa đến 1/3 tổng số nợ của BIM Land, không bao gồm nghĩa vụ cho thuê tính đến ngày 31/3/2023.

Moody's có thể tiếp tục hạ mức xếp hạng của BIM Land nếu công ty không thực hiện được kế hoạch kinh doanh; thị trường bất động sản xấu đi dẫn đến hoạt động và khả năng thanh khoản của công ty suy yếu kéo dài; hoặc có bằng chứng về việc rò rỉ tiền mặt từ BIM Land sang các công ty liên kết với quỹ, chẳng hạn như thông qua các khoản vay liên công ty, chia cổ tức bằng tiền mặt mạnh mẽ hoặc đầu tư vào các công ty liên kết.

BIM Land là công ty thành viên chuyên về phát triển bất động sản thuộc Tập đoàn BIM – một tập đoàn kinh tế đa ngành tại Việt Nam tập trung 4 lĩnh vực chính gồm phát triển hạ tầng du lịch & đầu tư bất động sản; năng lượng tái tạo; nông nghiệp - thực phẩm và dịch vụ thương mại.

Được thành lập vào tháng 11/2011, trụ sở chính của BIM Land hiện đặt tại Toà nhà Green Bay, đường Hoàng Quốc Việt, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hiện, BIM Land có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do ông Đoàn Quốc Huy là Tổng giám đốc và ông Đoàn Quốc Việt là Chủ tịch HĐQT.

Theo giới thiệu của doanh nghiệp, BIM Land có quỹ đất 7.2 triệu m2 tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Lào và vẫn đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng. BIM Land là nhà phát triển cơ sở hạ tầng du lịch của một số thương hiệu quản lý khách sạn như Park Hyatt, Intercontinental, Regent, Fraser, Citadines, Sailing Club, H&K Hospitality…

Thành Nam

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục