"Biến tướng" trong cuộc chạy đua chuyển mạng giữ số giữa các nhà mạng

Thực tế, giữa các nhà mạng đang có đợt "sóng ngầm" khi tung ra những chương trình áp sát khách hàng mời chào chuyển mạng với ưu đãi khủng. Vì vậy, mục tiêu dài hạn của chuyển mạng giữ số đang bị các nhà mạng làm cho biến tướng.

Theo số liệu của Cục Viễn thông, MobiFone có số thuê bao chuyển đến là 30.675, trong khi thuê bao chuyển đi là 48.420. Tuy nhiên, thuê bao chuyển đi thành công chỉ đạt 43%, trong khi thuê bao chuyển đến đạt gần 73%.

Nhà mạng VinaPhone có số thuê bao chuyển đến là 98.361 thuê bao, số thuê bao chuyển đi là 63.153, tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 76,7%, tỷ lệ chuyển đi thành công đạt 72,3%.

Nhà mạng Viettel có số thuê bao chuyển đi là 98.512, chuyển đến 94.780. Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 62,3%, tỷ lệ chuyển đi thành công đạt cao nhất trong số 4 nhà mạng, đạt gần 86%.

Nhà mạng Vietnamobile có 1.036 thuê bao chuyển đến, 14.767 thuê bao chuyển đi. Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công là 33,6%, tỷ lệ chuyển đi thành công đạt gần 41%.

"Biến tướng" trong cuộc chạy đua chuyển mạng giữ số giữa các nhà mạng - Ảnh 1
Tình hình triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Nguồn: Cục Viễn thông.


Nhìn từ khía cạnh số lượng thuê bao bị từ chối đề nghị được chuyển mạng giữ số, MobiFone và VinaPhone đang là nhà mạng từ chối nhu cầu chuyển mạng của khách hàng lớn nhất.

Nếu nhìn ở khía cạnh số lượng khiếu nại của khách hàng, Vietnammobile đang đứng đầu với hơn 700 khiếu nại. VinaPhone đứng thứ 2 với 576 khiếu nại, tiếp đến là MobiFone với 418 khiếu nại.

Những chiêu trò "biến tướng"

Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai, giữa các nhà mạng đứng trước nguy cơ bị mất thuê bao vào tay đối thủ nếu chất lượng dịch vụ của họ không đảm bảo hoặc sản phẩm dịch vụ không phù hợp với nhu cầu của người dùng. Chính vì vậy, các nhà mạng phải đua nhau đưa tiêu chí chất lượng và công tác chăm sóc khách hàng lên hàng đầu.

Thực tế thời gian qua, có không ít trường hợp chủ thuê bao phản ánh về việc nhà mạng "chơi xấu" gây khó dễ khi muốn chuyển sang mạng khác bằng cách viện ra đủ lý do. Để giữ chân thuê bao, một số nhà mạng bắt đầu sử dụng chính sách đưa thời gian cam kết vào các gói dịch vụ giá trị gia tăng.

"Biến tướng" trong cuộc chạy đua chuyển mạng giữ số giữa các nhà mạng - Ảnh 2
Phản ứng của khách hàng khi bị nhà mạng cố tình làm khó (Ảnh chụp màn hình).


Nhiều người dùng Vinaphone có ý định chuyển mạng giữ số cũng bị nhà mạng dùng chiêu thức để giữ chân như báo số thuê bao không tồn tại, tự động huỷ yêu cầu chuyển mạng của khách hàng hay thậm chí là cả chiêu nài nỉ để giữ chân khách hàng. Tương tự, nhà mạng Vietnammobile còn tự động thay đổi cam kết data để giữ chân người dùng.

Nếu không để ý kỹ, người dùng sẽ bị trói buộc vào các cam kết với thời gian rất dài. Điển hình là nhà mạng MobiFone đã tự ý thêm một điều khoản buộc thuê bao phải sử dụng mạng thêm 2 năm nếu muốn gia hạn gói dịch vụ dữ liệu 3G/4G đang dùng. Điều đáng nói là điều khoản này không được thông báo cho khách hàng từ trước.

Khách hàng chỉ có thể lựa chọn một trong hai giải pháp là hủy gói cước, hoặc tiếp tục sử dụng gói cước DATA hay dịch vụ với điều kiện không được chuyển đổi nhà mạng trong vòng 2 năm.

Có nhà mạng đã áp dụng chính sách yêu cầu nhân viên vận động người thân bạn bè chuyển mạng giữ số sang mạng của mình và xem đây như một chỉ tiêu về thi đua.

Trên thực tế, một lượng không nhỏ khách hàng đã chuyển mạng giữ nguyên số sang mạng khác bởi chính sách khuyến mại khủng được chào mời, khiến cho chi phí hàng tháng thấp hẳn xuống so với mức đang dùng.

Có thể thấy, cuộc đua chuyển mạng giữ số không còn giữ đúng được mục tiêu chủ yếu là tập trung vào chất lượng dịch vụ nữa mà quay trở lại cuộc cạnh tranh về giá, điều này khó có thể tạo ra sự phát triển bền vững.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục