Bị thâu tóm ồ ạt, châu Âu xem lại ưu ái dành cho Trung Quốc

(Kinhdoanhnet) - Trước làn sóng thâu tóm ào ạt, các nước châu Âu đã bắt đầu xem xét lại những ưu ái dành cho Trung Quốc. Quốc gia đầu tiên lên tiếng phản đối xu hướng này của Bắc Kinh là Đức.

Mới đây, Phát ngôn viên của Chính phủ Đức đã có một tuyên bố rất đanh thép: "Nước Đức chào đón tất cả các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đức, nhưng nếu các doanh nghiệp đó muốn thâu tóm doanh nghiệp của Đức, nhưng lại khư khư bảo vệ thị trường nước họ thì điều đó là không công bằng". 

Bị thâu tóm ồ ạt, châu Âu xem lại ưu ái dành cho Trung Quốc - Ảnh 1
Đức phản đối Trung Quốc thâu tóm các DN châu Âu. Ảnh minh họa

Việc Trung Quốc muốn thâu tóm các doanh nghiệp châu Âu là một xu hướng đã diễn ra từ hàng năm nay, nhưng càng ngày càng vấp phải nhiều trở ngại từ các nước châu Âu. Trước làn sóng thâu tóm ào ạt, các nước châu Âu đã bắt đầu xem xét lại những ưu ái dành cho Trung Quốc.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã phải lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc vì lo ngại Bắc Kinh đang dần nắm được “các công nghệ quan trọng chiến lược” của phương Tây.

“Bản thân Trung Quốc đang làm một tour mua sắm ở đây với danh sách dài các công ty được quan tâm, với ý định rõ ràng về việc tậu những công nghệ chiến lược quan trọng, chủ chốt”, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết.

Ông Gabriel cho hay EU nên xem lại chính sách của họ với đối tác thương mại đến từ phương Đông vốn từng bị cho là “chơi không đẹp”. Ông cho biết Trung Quốc cản trở đầu tư trực tiếp từ nhiều đối tác châu Âu vào các công ty của nước này và áp dụng “những yêu cầu phân biệt đối xử” với các thương vụ thâu tóm nước ngoài.

Chính phủ Đức chỉ có thể chặn những thương vụ mua bán, sáp nhập đặt ra nhiều rủi ro tiềm ẩn trong an ninh năng lượng, quốc phòng và ổn định tài chính. 

Tuần qua, Đức đã phải rút lại quyết định bán Công ty công nghệ Aixtron cho quỹ đầu tư Fujian Grand Chip của Trung Quốc. Ngoải ra, thương vụ thâu tóm công ty Thụy Sĩ Syngenta trị giá 44 tỷ USD của công ty ChemChina cũng đã bị hoãn lại.

Nguyên nhân chính được xác định là do Trung Quốc thâu tóm công ty nước ngoài thì dễ, nhưng để công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc lại rất khó khăn, đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, logistics hay viễn thông.

Bà Galina Kolev, thuộc Trung tâm nghiên cứu DIW ở Cologne, phân tích: "Họ đang tự hỏi công nghệ, vốn hiểu biết, công ăn việc làm của họ sẽ ra sao. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, kinh nghiệm cho thấy những mối lo đó là không có căn cứ. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc thường giữ lại công nhân sẵn có và củng cố thêm cho doanh nghiệp họ đã mua".

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục