Bí quyết làm nên thành công của Jeff Bezos

(Kinhdoanhnet) - Từ một ý tưởng được nuôi dưỡng trong nhà để xe, Amazon đã trở thành một "đế chế" thương mại điện tử trị giá 500 tỷ USD, còn bản thân Jeff Bezos đang ở rất gần vị trí người giàu nhất thế giới. Vậy đâu là bí quyết?

Sinh ngày 12/1/1964, Jeff Bezos được coi là một trong những người có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử, là doanh nhân đã “phá tan” ngành bán lẻ truyền thống.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Princeton năm 1986, công việc đầu tiên của Bezos là trên phố Wall, trong 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực khoa học máy tính. Ông trải qua nhiều công việc khác nhau, trong đó có công việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh gắn với Internet tại quỹ đầu cơ D.E.Shaw & Co.

Năm 1994, Amazon ra đời với ý tưởng được viết ra trên hành trình lái xe dọc miền đất nước từ New York đến Seattle. Ra đời trong garage nhà Bezos, Amazon khởi đầu là 1 công ty bán sách trực tuyến nhưng ngày nay đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực. Ông luôn hướng đến mục tiêu Amazon là 1 nơi bán mọi thứ, và hiện Amazon.com đã trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, không những vậy còn là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất.

Hiện Amazon có giá trị vốn hóa gần 500 tỷ USD, gấp hơn 2 lần đối thủ Walmart.

Bí quyết làm nên thành công của Jeff Bezos - Ảnh 1
Tỷ phú Jeff Bezos

Ngoài thương mại điện tử, Bezos còn quan tâm đến ngành hàng không vũ trụ và truyền thông. Ông là nhà sáng lập của Blue Origin và từ năm 2015 bắt đầu thử nghiệm nhiều chuyến bay ngoài không gian. Bezos có tham vọng thực hiện các chuyến du hành vũ trụ thương mại từ năm 2018. Năm 2013, ông mua lại tờ báo nổi tiếng The Washington Post. Ông còn đầu tư cả vào tờ Business Insider.

Điều gì đã làm nên thành công của Jeff Bezos?

Đó là một quá trình nỗ lực không mệt mỏi cùng những thói quen "máu thịt" tạo nên bí quyết thành công mang tên Jeff Bezos.

Tập trung vào khách hàng

Lợi thế rõ ràng nhất của một công ty kinh doanh trực tuyến là nó có thể đo lường được hành vi của khách hàng. Và chính sự đo lường là điều Bezos và Amazon luôn chú trọng: trong những năm qua, công ty đã thêm vào những tính năng mới với mục đích duy nhất là khiến khách hàng hạnh phúc, và từ đó giúp tăng doanh số bán hàng.

Sự hài lòng của khách hàng chính là cốt lõi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Không ngừng tìm kiếm những điều khiến khách hàng của bạn mỉm cười và luôn luôn đổi mới dựa trên nhu cầu của họ.

Đầu tư dài hạn

Trung thành đầu tư ở Blue Origin 16 năm - trước khi đối thủ Elon Musk tạo ra "con quái vật" SpaceX, Bezos từng chi khủng 500 triệu USD mỗi năm cho “giấc mơ khám phá vũ trụ” này. Năm 2015, Blue Origin đã phóng thử nghiệm thành công tàu không gian New Shepard với tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Theo công ty, đây là thời điểm thích hợp để lên kế hoạch chốt danh sách khách hàng muốn khám phá quỹ đạo trái đất.

“Chúng tôi nghĩ, sẽ bắt đầu đưa hành khách bay vào năm 2017," Rob Meyerson, chủ tịch Blue Origin cho hay. “Trước tiên, các kỹ sư sẽ kiểm tra kỹ càng. Sau đó, chúng tôi sẽ bán vé. Tôi tưởng tượng Jeff và tôi sẽ khám phá quỹ đạo vào năm 2018”.

Thực hiện quy tắc của riêng bạn

Nếu bạn luôn ghét những bài luận ở trường học, Amazon có thể không phải là nơi dành cho bạn.

Ban đầu, Amazon đưa ra một quy định là bất cứ ai muốn đề xuất một ý tưởng mới phải trình bày những suy nghĩ của mình vào một tài liệu dài sáu trang giấy. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, những người tham gia, bao gồm cả Bezos phải mất thời gian đọc và phân tích 6 trang báo cáo.

Một quy tắc khác của Bezos là 'Hai chiếc bánh pizza'. Tức là nhân sự của một nhóm chỉ vừa đủ để ăn hết 2 cái bánh pizza. Theo Bezos, các nhóm quá lớn sẽ hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, công ty chia thành các nhóm độc lập với 10 thành viên hoặc ít hơn để thực hiện nhiệm vụ khiến cho khách hàng của mình hạnh phúc.

Việc sử dụng các phương pháp lạ lùng nhưng đem lại hiệu quả cao là điều bình thường trong việc kinh doanh hàng ngày. Do đó, bạn không phải lo lắng nếu làm điều gì đó đáng ngạc nhiên.

Chấp nhận rủi ro 

“Có chuyện gì nguy hiểm mà không phải để phát triển” - Jeff Bezos từng quả quyết trong một cuộc phỏng vấn. Câu thần chú này ông luôn tâm niệm trong đầu, ngay cả khi quyết định mua lạiThe Washington Post vào năm 2013. Mặc dù khi đó, tờ báo đang gặp khó khăn về tình hình kinh doanh cũng như lượng độc giả sụt giảm nghiêm trọng.

Chấp nhận rủi ro, đây là điều mà Zeff Bezos đã làm khi đứng trước những cơ hội lớn. Bezos phát hiện ra, các trang web có lượt truy cập khổng lồ thông qua cách tổng hợp lại các bài báo từ nhiều nguồn. Nhờ đó, Jeff biến The Washington Post lột xác và tăng trưởng ngoạn mục, vượt qua tờ Thời báo New York Times về lượng truy cập website hồi tháng 10/2015.

Tiết kiệm

Amazon bắt đầu hoạt động trong một không gian đơn giản tại bang Washington và hoạt động trên thị trường với biên độ tối thiểu. Amazon gắn liền với văn hóa tiết kiệm và có vẻ như nó đã giúp công ty tập trung vào điều quan trọng nhất: khách hàng và sự đổi mới.

Sự tiết kiệm ở Amazon thể hiện ra sao? Một số ví dụ như các nhân viên tự trả tiền cho các món ăn nhẹ và chỗ đậu xe. Khi đi du lịch, họ ở phòng đôi, với phong cách trại hè. Đội ngũ nhân viên làm việc dài, chăm chỉ, thông minh và không có sự thỏa hiệp nào cho bất kỳ một trong 3 điều này.

Đôi khi thành công không đòi hỏi điều gì đặc biệt. Một nghiên cứu chỉ ra rằng từ chối những điều xa xỉ lại có thể cải thiện sự sáng tạo và tăng cường sự tập trung.

Không ngừng phát triển

Amazon bắt đầu với sách, rồi chinh phục âm nhạc, phim ảnh, thiết bị điện tử và đồ chơi. Tiếp đến là Kindle và cùng với nó, họ đã khẳng định được vị thế. Bạn có biết rằng các dịch vụ Amazon Web cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp lớn, chính phủ Mỹ và thậm chí NASA?

Điều gì đã xảy ra? Nó chắc chắn không đến từ sự thỏa mãn của Bezos. Ngược lại, ông tin rằng không có các sản phẩm và dịch vụ nào của Amazon là không thể bán được. Đối với Bezos, tương lai có rất nhiều khả năng, cơ hội và sáng tạo - và ông luôn khao khát tất cả những gì nó mang lại

Con đường dẫn đến sự thành công được lát bằng sự không thỏa mãn. Không bao giờ chấp nhận tình trạng hiện tại hay nói "Tôi đã làm đủ". Thay vào đó, hãy tìm kiếm sự tăng trưởng tiềm năng và phát triển.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục