Chuyện Vinalines và các công ty thành viên “nợ đầm nợ đìa” không còn là mới. Mặc dù theo ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines thì dư nợ hiện nay của Công ty mẹ - Vinalines là gần 6.200 tỷ đồng, giảm gần 46% so với thời điểm kết thúc năm 2013 nhưng nhiều công ty thành viên của tập đoàn này vẫn đang ngày càng chìm sâu vào đống nợ. Điển hình là 2 công ty niêm yết trên sàn UPCoM là CTCP Vận Tải Biển Bắc nổi tiếng với đội tàu NOSCO và CTCP Hàng Hải Đông Đô nổi tiếng với đội tàu Đông Đô.
Kết thúc năm 2015, CTCP Vận Tải Biển Bắc tiếp tục lỗ tới 578 tỷ đồng, đẩy vốn chủ sở hữu xuống mức âm (-) 2.808 tỷ đồng. CTCP Hàng Hải Đông Đô cũng lâm vào tình trạng tương tự khi vốn chủ sở hữu của công ty này cũng rớt xuống mức âm (-) 435 tỷ đồng sau khi lỗ 138 tỷ đồng trong năm 2015.
Vinalines và nhiều công ty thành viên vẫn “ngập” trong đống nợ. Ảnh: Internet
Trong những năm qua, Vinalines và nhiều công ty thành viên của tập đoàn này nợ các ngân hàng rất nhiều, trong khi khả năng trả nợ rất kém cỏi, thậm chí thường xuyên rơi vào tình trạng không trả được nợ gốc lẫn lãi vay nên việc Vinalines và các công ty thành viên phải gán nợ cho các ngân hàng đã là việc giống như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng xung quanh chuyện gán nợ này cũng có lắm sự bi hài.
Đầu tiên phải kế đến chuyện Vinalines đề xuất gán cho Ngân hàng VPBank 51% cổ phần tại Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) thay vì trả nợ bằng tiền. Đây là công ty quản lý cảng nước sâu đầu tiên ở phía Bắc. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là công ty này đang ở trong tình trạng thua lỗ triền miên, thậm chí các cổ đông còn bị yêu cầu góp thêm vốn để trả nợ và duy trì hoạt động của công ty. Nguyên nhân là bởi cảng CICT có vị trí xa, cơ sở hạ tầng không thuận tiện khiến cảng này chỉ vận hành khoảng 20% công suất thiết kế giai đoạn 1 (520.000 TEU/năm). VPBank nhận lượng cổ phần này để gán nợ chẳng khác nào rước thêm vào mình một cục nợ, thà rằng VPBank xóa hẳn nợ cho Vinalines còn tốt hơn phương án “tréo ngoe” kia.
VPBank từng “được” Vinalines đề xuất gán nợ bằng 51% cổ phần tại một công ty đang nợ nần, thua lỗ. Ảnh: Thesaigontimes
Một câu chuyện khác tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại hóa phức tạp là câu chuyện Vinalines và các công ty thành viên gán nợ cho các ngân hàng bằng tàu biển.
Thoạt nhìn thì việc thế chấp tàu biển để vay vốn là hết sức bình thường đối với một tập đoàn hàng hải như Vinalines. Tuy nhiên, ngay khi nhận thế chấp tàu biển, ngân hàng đã ôm vào mình rủi ro tài sản thế chấp bị giảm giá. Khác với quyền sử dụng đất vốn là tài sản thế chấp phổ biến và được các ngân hàng ưa thích, theo thời gian, tàu biển bị hao mòn nên giá tàu biển cũng giảm dần so với thời điểm ban đầu. Tiếp nữa là hoạt động kinh doanh vận tải biển trong nhiều năm trở lại đây rất xấu, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải biển rút khỏi ngành hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh. Điều đầu tiên mà họ phải làm là bán bớt tàu biển để thu lại một phần tiền và loại bỏ chi phí cố định để “nuôi” các con tàu đó. Hành động này đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng cung tàu biển vừa dồi dào, vừa giá rẻ đẩy giá tàu biển đã thấp lại càng thấp. Mới đây, việc Vinalines đề xuất bán đồng loạt 6 con tàu với giá “rẻ như bèo” như tàu Vinalines Fortuna đóng năm 1991 được Vinalines mua với giá hơn 341 tỷ đồng nhưng giờ dự kiến được bán với giá 34,8 tỷ đồng, hay như tàu Vinalines Star đóng năm 1993 được mua với giá gần 378 tỷ đồng nhưng chỉ được đề xuất bán đi với giá 34,4 tỷ đồng… là những minh chứng cho việc giá tàu biển ngày càng rẻ mạt.
Khi nhận thế chấp bằng tàu biển, ngân hàng đã chấp nhận “ôm” rủi ro tài sản thế chấp bị giảm giá. Ảnh: Dongdomarine
Nhưng ngay cả khi ngân hàng “cắn răng” chấp nhận gán nợ bằng tàu biển đã thế chấp với giá trị tàu biển thấp hơn nhiều giá trị nợ gốc và lãi vay phải trả thì Vinalines cũng… không đồng ý. Đó là trường hợp của Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông thuộc Vinalines. Cụ thể, tính đến thời điểm 30/06/2015, dư nợ gốc và lãi vay tàu Biển Đông Star của Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông tại các ngân hàng là trên 271,3 tỷ đồng, trong đó Maritime Bank là chủ nợ chính – chiếm tới 93% tổng số nợ này. Mặc dù giá trị còn lại của con tàu này chỉ còn khoảng trên 83,2 tỷ đồng nhưng Maritime Bank và các chủ nợ vẫn quyết định nhận tàu Biển Đông Star và xóa số nợ 271,3 tỷ đồng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông – thành viên của Vinalines lại không chấp nhận thỏa thuận hết sức có lợi cho công ty, tập đoàn và cả Nhà nước này?! Thay vào đó, Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông và Vinalines lại đề xuất một phương án hết sức phức tạp là đề nghị ngân hàng bán lại tàu Biển Đông Star cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoặc chính Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông với giá thị trường của con tàu thay vì 2/3 giá trị còn lại của tàu, đồng thời trả bằng tiền mặt thay vì bằng trái phiếu nợ?!
Maritime Bank chấp nhận “cắn răng” nhận về tàu Biển Đông Star có giá trị còn lại chỉ 83,2 tỷ đồng để xóa nợ 271,2 tỷ đồng nhưng… Vinalines không chịu?! Ảnh: Internet
Không rõ là tình trạng lằng nhằng, rắc rối này có thể xảy ra với các ngân hàng khác hay không nếu như một công ty thành viên khác của Vinalines cũng gán tàu biển để trả nợ. Chẳng hạn như trường hợp của CTCP Hàng Hải Đông Đô, tính đến hết quý I/2016, vốn chủ sở hữu của công ty này đã âm tới hơn 450 tỷ đồng và bị kiểm toán ASC cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục. Hầu hết tàu trong đội tàu Đông Đô của công ty cũng đã thế chấp cho các ngân hàng như Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Agribank, Techcombank và Indovinabank.
Một tình cảnh khác cũng vừa bi vừa hài là chuyện nhiều ngân hàng không chịu “nhả” nợ Vinalines. Nguyên nhân là các ngân hàng này kỳ vọng khi Vinalines cổ phần hóa thì giá trị của Vinalines sẽ tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng, đồng nghĩa với việc tập đoàn này có thể trả được hết nợ hay ít nhất là trả được nhiều nợ hơn thời điểm hiện tại. Thực tế thì VietinBank và VPBank đã thành công khi hoán đổi nợ của công ty mẹ Vinalines lấy cổ phần ở công ty con là CTCP Cảng Sài Gòn, nhưng sau đó, 2 ngân hàng này lại đồng loạt “tháo chạy” khỏi công ty này, phần vì để thu một lượng tiền về khi thoái vốn, phần vì Cảng Sài Gòn bị hồi tố hơn 1.000 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của công ty này đột ngột giảm từ 2.339 tỷ đồng xuống còn 1.300 tỷ đồng.
Sau khi hoán đổi nợ công ty mẹ Vinalines lấy cổ phần công ty con Cảng Sài Gòn thành công, VietinBank và VPBank lại vội vàng “tháo chạy”. Ảnh: Internet
Thật không biết những câu chuyện bi hài như vậy sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ nữa!
Kình Dương