Bị bán tháo, cổ phiếu VCA dựng 'cây thông' trước thềm Giáng sinh

Tính tới hết ngày 18/12, cổ phiếu VCA đã giảm sàn một mạch 4 phiên. Đáng nói, trước khi “đổ đèo”, cổ phiếu này đã có 11 phiên tím trần liên tiếp.

Kết thúc phiên giao dịch 18/12, thị trường chứng khoán có phần tích cực khi đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số VN-Index tăng 4,28 điểm so với tham chiếu, đóng cửa tại mốc 1.266 điểm. Cùng với đó, thanh khoản có phần cải thiện so với phiên 17/12, đạt hơn 12,7 nghìn tỷ đồng.

Trái ngược với diễn biến tích cực của thị trường chung, cổ phiếu VCA của Công ty cổ phần Thép Vicasa - VNSTEEL giảm hết biên độ xuống còn 13.300 đồng/cp, xác lập chuỗi 4 phiên giảm sàn liên tiếp. "Cây thông" VCA đang dần hiện hữu trên bảng điện.

"Cây thông" VCA đang dần hiện hữu trên bảng điện
"Cây thông" VCA đang dần hiện hữu trên bảng điện

Cần biết, trước khi bước vào nhịp giảm sâu, mã này đã ghi nhận 11 phiên tím trần liên tiếp. Đà tăng của cổ phiếu VCA diễn ra ngay sau khi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM: TVN) phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp.

Theo đó, VNSteel dự kiến thực hiện đấu giá công khai toàn bộ cổ phần với mức giá thấp nhất là 24.158 đồng/cp. Mức giá trị được tính toán bởi đơn vị tư vấn bằng gần gấp đôi giá trị sổ sách và gấp hơn 2,5 lần thị giá VCA trên sàn chứng khoán tại thời điểm có thông tin thoái vốn. Giao dịch bắt đầu thực hiện từ tháng 11 năm nay và chậm nhất hoàn thành trong quý đầu tiên của năm sau.

Với diễn biến hiện tại, giới quan sát nhận định, “sóng” tại cổ phiếu VCA trong thời gian vừa qua chỉ mang tính chất ngắn hạn, khó bền vững do đà tăng của cổ phiếu không xuất phát từ yếu tố nội tại của doanh nghiệp.

Xét về hoạt động kinh doanh, sau 9 tháng, Thép Vicasa ghi nhận doanh thu đạt 1.017 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các loại chi phí, công ty thép bất ngờ báo lỗ 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi 3,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III, nợ phải trả của công ghi nhận hơn 83,6 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, ở phía bên kia bảng cân đối, doanh nghiệp hiện chỉ có hơn 6 tỷ đồng tiền mặt. Điều này cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ của Thép Vicasa đang ở mức đáng báo động.

Nhìn rộng hơn, tình hình kinh doanh của công ty trong vài năm trở lại đây cũng không mấy khả quan. Năm 2022, Thép Vicasa báo lỗ 6 tỷ đồng, còn năm 2023 chỉ lãi vỏn vẹn 7 tỷ đồng. Những con số này đều rất khiêm tốn so với những năm trước đó. Giai đoạn 2021 trở về trước, Thép Vicasa thường xuyên ghi nhận doanh thu trên 2.000 tỷ đồng và lãi trung bình khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm.

Tình hình tài chính kém sắc cũng như kết quả kinh doanh không ổn định là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu này bị "ngó lơ" trên thị trường chứng khoán, mặc dù được niêm yết trên HoSE.

Được biết, cổ phiếu VCA được chuyển sang niêm yết sàn HoSE vào tháng 3/2021. Sau khi ra mắt, mã này ghi nhận nhịp tăng mạnh trong giai đoạn đầu 2021 đến giữa 2022, từ dưới 9.000 đồng/cp lên trên 18.000 đồng/cp. Tuy nhiên sau đó, thanh khoản giảm sút và thị giá giảm trở lại.

Lướt 'sóng' thoái vốn không hề dễ

Với những người may mắn nắm giữ cổ phiếu VCA trước đợt tăng "chóng mặt" vừa qua, tài khoản có lẽ được nhân đôi một cách dễ dàng.

Trên thực tế, thông tin doanh nghiệp thoái vốn, đặc biệt là doanh nghiệp có yếu tố Nhà nước, thường đẩy giá cổ phiếu lên cao trong ngắn hạn, hấp dẫn dòng vốn đầu cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, "con sóng" này thường ngắn.

Thông thường, dòng tiền đầu cơ sẽ đẩy thị giá và khối lượng giao dịch tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn, vượt quá kỳ vọng của dòng tiền đầu tư về giá trị nội tại của doanh nghiệp. Sau khi câu chuyện thoái vốn ngã ngũ, dòng tiền đầu cơ ngắn hạn rút lui, đà tăng giá sẽ khó được duy trì, thậm chí thị giá có thể phải mất nhiều thời gian để quay lại vùng đỉnh. Do đó, chọn cách đầu tư cổ phiếu thoái vốn có thể khiến nhà đầu tư bị "kẹp hàng", chôn vốn hàng năm nếu doanh nghiệp bị gặp trục trặc trong quá trình thoái vốn, M&A.

Theo kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư lâu năm, "đội lái" có thể lợi dụng thông tin thoái vốn để đầu cơ trục lợi, đẩy giá cố phiếu lên cao. Do đó, để tránh rủi ro, người giao dịch không nên mua đuổi các cổ phiếu tăng nóng, cần quan sát thêm tín hiệu từ dòng tiền, các chỉ báo kỹ thuật khác của cổ phiếu đó, có thể chờ đợi các đợt điều chỉnh để tham gia ở vùng giá tốt hơn.

Hoàng Anh

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục