Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nói gì về việc mua thiết bị y tế giá cao gấp 4 lần nhập khẩu?

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An khẳng định việc tổ chức đấu thầu đúng quy định, thế nhưng thực tế tìm hiểu của phóng viên cho thấy, nhiều sản phẩm được mua cao gấp từ 2-4 lần so với giá nhập khẩu, dẫn đến chênh lệch khoảng 6,6 tỷ trong gói thầu trị giá trên 17 tỷ đồng.

Giá chào thầu gấp 4 lần giá nhập khẩu

Một khung pháp lý đồng bộ, minh bạch và thống nhất chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn Nhà nước đã được tạo lập trên cơ sở của luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm.

Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật không nghiêm tại một số địa phương, đơn vị đã tạo đà cho cơ sở y tế “bắt tay” doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối trang thiết bị y tế “thổi giá” nhằm trục lợi ngân sách. Điều này đã được phơi bày khi thời gian qua, bộ Công an và công an các tỉnh, thành liên tục điều tra, khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo Sở, giám đốc bệnh viện, giám đốc doanh nghiệp... liên quan đến vi phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Trước thực trạng đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu tại các bệnh viện công trên cả nước - nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp nghành Y tế nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, hạn chế những mất mát đáng tiếc về nhân sự có trình độ.

Đi sâu tìm hiểu về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, phóng viên nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường khi so sánh với giá nhập khẩu, cùng một thiết bị với ký mã hiệu và xuất xứ giống nhau nhưng giá chào thầu được phê duyệt cao vượt trội.

Dẫu biết rằng, nhà thầu khi bàn giao cho chủ đầu, các thiết bị còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan như vận chuyển, kho bãi và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, số tiền chênh lệch cao hơn 6,6 tỷ đồng so với giá nhập khẩu vẫn để lại nhiều băn khoăn về vấn đề hiệu quả sử dụng ngân sách trong đấu thầu. Liệu việc xây dựng giá dự toán, thẩm định và phê duyệt giá dự toán đã thực sự đúng và đủ hay chưa?...

Ông Nguyễn Văn Hương đã ký Quyết định số 2452/QĐ-BV phê duyệt gói thầu.

Ông Nguyễn Văn Hương đã ký Quyết định số 2452/QĐ-BV phê duyệt gói thầu.

Gói thầu mà phóng viên nghiên cứu ngẫu nhiên tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An do Giám đốc Nguyễn Văn Hương phê duyệt tại Quyết định số 2452/QĐ-BV ngày 28/12/2022 có giá trúng thầu 17.754.935.970 đồng.

Công ty TNHH thiết bị Minh Tâm, công ty TNHH thiết bị y tế Thành Thắng, công ty TNHH B.C.E Việt Nam, công ty CP dược phẩm và đầu tư HDT, công ty Cổ phần khoa học công nghệ Thái Sơn, công ty TNHH dược Huy Hoàng, công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật Việt Huy, công ty Cổ phần Vietmedic và công ty TNHH QA-LAB Việt Nam là 9 nhà thầu đồng sở hữu gói thầu này.

16/125 mã hàng hóa được phê duyệt cao hơn từ 2-4 lần so với giá nhập khẩu (đã cộng thuế VAT và thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành), khiến chênh lệch lên tới hơn 6,6 tỷ đồng.

Đơn cử, Dade Innovin (Mã kí hiệu B421240, xuất xứ tại Siemens- Đức) có giá trúng thầu 4.095.000 đồng/hộp nhưng giá nhập khẩu chỉ 1.092.811 đồng; Dade Actin FSL Activated PTT Reagent (Mã kí hiệu B42191, xuất xứ: Siemens - Đức) được Bệnh viện mua với giá 4.483.500 đồng/hộp nhưng giá nhập khẩu là 1.092.811 đồng; CA clean I (GSA-500A) có mã kí hiệu 96406313, xuất xứ tại Sysmex - Nhật Bản được nhập khẩu 387.775 đồng/ hộp còn giá doanh nghiệp bán cho bệnh viện lên tới 1.493.100 đồng…

Điều này dẫn đến tổng chênh lệch tính theo số lượng mua sắm ở gói thầu cao hơn giá nhập khẩu ở mỗi sản phẩm từ vài trăm đến 1,6 tỷ đồng.

Nhìn vào bảng so sánh này có thể thấy, 16/125 mã hàng hóa được bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mua sắm giá cao hơn giá nhập khẩu, khiến gói thầu mang dấu hiệu “đội giá” tới hơn 6,6 tỷ đồng.
Nhìn vào bảng so sánh này có thể thấy, 16/125 mã hàng hóa được bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mua sắm giá cao hơn giá nhập khẩu, khiến gói thầu mang dấu hiệu “đội giá” tới hơn 6,6 tỷ đồng.

Chủ đầu tư khẳng định làm đầy đủ quy trình

Phản hồi về một số dấu hiệu bất thường trong công tác đấu thầu của đơn vị, bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An khẳng định: “Quy trình đấu thầu bệnh viện được thực hiện căn cứ các quy định pháp luật hiện hành. Bệnh viện xây dựng giá dự toán theo trên căn cứ quy định tại Điều 33, luật Đấu thầu số 43, Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT, Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC giá dự toán của gói thầu.

Giá dự toán gói thầu được đơn vị thẩm định độc lập (sở Y tế hoặc sở Tài chính) thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở dự toán được phê duyệt bệnh viện thực hiện các bước tiếp theo quy trình đấu thầu.

Đơn vị thẩm định giá (doanh nghiệp thẩm định giá) là doanh nghiệp hoạt động độc lập với bệnh viện, đơn vị thẩm định giá chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá thẩm định. Bệnh viện lựa chọn các đơn vị thẩm định giá có đủ năng lực kinh nghiệm được công bố danh sách trên cổng thông bộ Tài chính và công khai các thông tin liên quan theo đúng quy định.

Các cá nhân tham gia vào thực hiện gói thầu chịu trách nhiệm trước bệnh viện và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo công bằng, minh bạch khách quan”.

Phía Bệnh viện cũng khẳng định trên cơ sở dự toán mua sắm được phê duyệt, giá gói thầu được xác định căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây để sát giá thị trường:Giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 03 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trong trường hợp không đủ 03 nhà cung cấp trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố;Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày;Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu…

Xin nói rõ thêm, những thông tin này từ phía bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đều gói gọn trong một văn bản mà không có các tài liệu đi kèm.

Khi thực hiện nghiên cứu đề tài này, chúng tôi vẫn có niềm tin rằng, sẽ không có chuyện nâng giá thiết bị y tế để trục lợi ngân sách tại gói thầu đã nêu ở trên. Nhưng với con số chênh lệch giá lên đến hàng tỷ đồng thì thiết nghĩ, các cơ quan Trung ương, địa phương cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra. Việc làm này không những minh bạch thông tin trước dư luận mà còn tránh điều tiếng cho chủ đầu tư, nhà thầu cũng như đơn vị thẩm định giá.

Theo luật sư Nguyễn Công Tín (Công ty Luật FDVN - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), việc tính giá thầu được xác định trên quy trình chặt chẽ, rõ ràng và có đơn vị kiểm toán, thẩm định giá tài sản. Do đó, trường hợp nếu xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá. Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh, đánh giá như giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường…

Nếu có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017). Theo Điều 222, trường hợp bị xử lý hình sự nặng nhất lên tới 20 năm tù nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.

Hà Anh

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục