Mới đây, 3 ngân hàng lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV đã thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020. Bên cạnh con số lợi nhuận thì tình hình nợ xấu của những ngân hàng này cũng gây bất ngờ lớn khi có sự thay đổi mạnh so với cuối quý 3/2020.
Dù chịu tác động của Covid-19, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 của VietinBank và Vietcombank thậm chí còn thấp hơn cuối năm 2019.
Cụ thể, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm 2020 là lần đầu tiên trong 5 năm gần đây lợi nhuận nhà băng này không tăng. Theo đó, ước tính lợi nhuận Vietcombank năm 2020 đạt khoảng 23.000 tỷ đồng.
Song bất ngờ hơn khi lãnh đạo Vietcombank cho biết, tỷ lệ nợ xấu được ngân hàng kéo xuống mức thấp nhất trong lịch sử, cũng là mức thấp nhất toàn ngành với chỉ 0,6% trên tổng dư nợ. Trong khi trước đó, theo BCTC quý 3/2020, cuối tháng 9/2020, ngân hàng có 7.884 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,01% dư nợ cho vay khách hàng, tăng đáng kể so với mức 0,79% hồi cuối năm 2019.
Vietcombank cũng cho biết đã tăng mạnh quỹ dự phòng rủi ro, giúp tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đến cuối năm 2020 đạt tới 380% - tức mỗi 100 đồng nợ xấu thì có 380 đồng dự phòng - con số cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Với "bộ đệm" này, ngân hàng sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước những cú sốc xảy ra trong tương lai.
VietinBank cũng gây bất ngờ không kém khi nhà băng này báo lãi trước thuế hơn 16.400 tỷ trong năm 2020, đồng thời tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 1% - thấp hơn cả cuối năm 2019.
Trước đó, đến cuối tháng 9/2020, nợ xấu nội bảng của VietinBank là 17.949 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối quý 2 và tăng tới 66% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3/2020 của ngân hàng là 1,87%, tăng đáng kể so với mức 1,16% hồi cuối năm 2019.
Trong năm 2020, VietinBank cũng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC - vốn là con số khá lớn - hơn 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng cũng được cải thiện, tăng lên 130%. VietinBank cho biết đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2% trong năm 2021, trong khi mục tiêu của toàn ngành ngân hàng là dưới 3%.
BIDV chưa thông tin cụ thể con số tỷ lệ nợ xấu song cho biết "được kiểm soát trong giới hạn". Năm 2021, nhà băng này đặt mục tiêu tỷ nợ xấu kiểm soát dưới 1,6%.
Trước đó, theo BCTC quý 3/2020, tại ngày 30/9/2020, BIDV có 21.525 tỷ đồng nợ xấu, tăng 10,41% so với đầu năm, trong đó chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng 26% lên 14.315 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng từ 1,75% lên 1,88%.
Đối với toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt 2%, nhưng đây là tất yếu khách quan và thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm. Nhiều chuyên gia cũng dự báo nợ xấu hệ thống ngân hàng sẽ tăng dần trong năm 2021 sau khi chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ được điều chỉnh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nhận định tình hình nợ xấu sẽ không quá nghiêm trọng khi kinh tế phục hồi, thúc đẩy mở rộng bảng cân đối kế toán và ổn định chất lượng tài sản.
Theo dự báo của SSI Research, nợ xấu nội bảng năm 2021 sẽ không đổi so với năm 2020. Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI sẽ giảm còn 1,98% vào năm 2021 (từ mức đỉnh 4,69% vào năm 2015).
Tỷ lệ này có thể cao hơn tại nhóm các ngân hàng nhỏ hơn trong hệ thống. Cần lưu ý rằng một số rủi ro tín dụng vẫn có thể bị trì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ (Thông tư 01).
SSI nhận định, hệ thống ngân hàng đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các ngân hàng đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề.
Theo ước tính, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có vấn đề đã cải thiện từ 2,48 lần và 2,30 lần trong năm 2015 và 2016, lên 6,67 lần vào năm 2020. Nếu coi nợ tái cấu trúc là tài sản có vấn đề, tỷ lệ này giảm còn 2,6 lần, tương đương năm 2017.
Tình hình không quá nghiêm trọng do một phần các khoản vay tái cấu trúc có thể thu hồi; và các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để phát hành trái phiếu cấp 2 vào năm 2021.
Mới đây, Chính phủ cũng đã đề ra các chỉ tiêu phấn đấu trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng và giao NHNN theo dõi, đánh giá. Trong đó, Chính phủ đề ra mục tiêu tỷ lệ nợ xấy nội bảng năm 2021 dưới 3%; Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC, nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữa nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) là dưới 5%.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết