Cụ thể theo báo cáo của ngân hàng này, năm 2014 lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 121,5 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2013, hoàn thành 101% kế hoạch.
Bên cạnh đó ngân hàng này còn công bố một số chỉ tiêu khác như tổng tiền gửi của khách hàng đạt 198,505 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2013. Trong đó, số lượng khách hàng tiền gửi cá nhân tăng 30%, khách hàng doanh nghiệp tăng 17% so với năm 2013. Tổng dư nợ cho vay của SCB đạt 134,005 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2013. Doanh số mua bán ngoại tệ năm 2014 tăng trưởng 226% so với năm 2013.
Bất ngờ nợ xấu tại SCB chỉ còn 0,5%.
Như vậy, có thể thấy rằng tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động của SCB đã tăng đột biến trong 6 tháng cuối năm khi con số này của 6 tháng đầu năm lần lượt mới đạt 7,8% và 12,1%. Nguyên nhân là do SCB đã đẩy mạnh triển khai hàng loạt các gói sản phẩm cho vay và dịch vụ kèm theo phù hợp với từng đối tượng khách hàng như cho vay mua xe ô tô phục vụ sản xuất, kinh doanh; cho vay an tâm du học; cho vay đầu tư tài sản cố định...
Tuy nhiên lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm lại có vẻ giảm sút nghiêm trọng bởi theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của ngân hàng này lợi nhuận trước thuế của SCB đã đạt được 123 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do SCB mạnh tay trong việc trích lập dự phòng để nâng cao năng lực tài chính theo chủ trương của ngân hàng Nhà nước.
Kết thúc năm 2014, nhờ tăng trưởng tín dụng cộng với việc chủ động thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC để xử lý nợ xấu nên tỷ lệ nợ xấu của SCB tại thời điểm cuối năm đã bất ngờ giảm mạnh xuống chỉ còn 0,5%. Đây là một trong những tín hiệu tích cực nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng cải thiện các chỉ số tài chính, tỷ lệ an toàn, đồng thời tạo đà cho phát triển kinh doanh.
Hoàng Anh (TH theo ĐTCK; Gafin; Vietstock)