Bất động sản Phát Đạt muốn bán dự án số 197 Điện Biên Phủ, TP HCM

Bất động sản Phát Đạt muốn chuyển nhượng hơn 28,4 triệu cổ phiếu, tương đương gần 89% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Hòa Bình – chủ đầu tư dự án 197 đường Điện Biên Phủ.

HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã chứng khoán: PDR) vừa thông qua việc chuyển nhượng gần 28,5 triệu cổ phần, với tổng giá trị theo mệnh giá gần 285 tỷ đồng, tương đương gần 89% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Hòa Bình.

Địa ốc Hoà Bình được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng tại số 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP. HCM (còn gọi là Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến). Dự án này có quy mô 28 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Công ty giao cho ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT tìm kiếm đối tác, đàm phán và quyết định giá trị chuyển nhượng, thời gian thực hiện, phương thức thanh toán (ưu tiên chọn đối tác có khả năng tài chính mạnh và thanh toán nhanh), ký kết Hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện tất cả các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng.

HĐQT Bất động sản Phát Đạt thông qua việc chuyển nhượng gần 28,5 triệu cổ phần tại CTCP Địa ốc Hòa Bình.
HĐQT Bất động sản Phát Đạt thông qua việc chuyển nhượng gần 28,5 triệu cổ phần tại CTCP Địa ốc Hòa Bình.

Trước đó, hồi cuối tháng 6/2022, HĐQT Phát Đạt thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 89% cổ phần của các cổ đông tại Địa ốc Hòa Bình. Giá trị nhận chuyển nhượng không được công bố. Như vậy, sau 5 tháng thâu tóm dự án ở Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến, đến nay, Phát Đạt tìm kiếm đối tác mua lại.

Tính đến cuối tháng 9, Phát Đạt nắm 26,7% vốn điều lệ tại đơn vị này, ghi nhận là công ty liên kết tại báo cáo tài chính của công ty.

Công ty Địa ốc Hòa Bình được thành lập vào năm 2008 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Ngày 23/11 vừa qua, Địa ốc Hòa Bình đã được cấp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thay đổi người đại diện phát luật kiêm Tổng Giám đốc từ ông Lê Đình Trí sang ông Trương Ngọc Dũng. Ông Dũng cũng hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc tại Phát Đạt.

Phát Đạt cho biết việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Địa ốc Hòa Bình nằm trong chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của Phát Đạt với mục đích tối ưu nguồn lực đầu tư, đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay và tất toán trái phiếu trước hạn.

Bên cạnh đó, vấn đề được quan tâm hiện nay là áp lực trả nợ trái phiếu và áp lực mua lại trước kỳ hạn, ông Bùi Quang Anh Vũ – Tổng Giám đốc Phát Đạt cho biết, công ty không gặp áp lực về vấn đề này vì đã có kế hoạch dòng tiền để trả lãi và nợ gốc đúng hạn. Dư nợ trái phiếu không quá lớn trên tổng tài sản công ty.

Lãnh đạo Phát Đạt cho biết, với chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư, Phát Đạt đang tập trung triển khai các dự án tiềm năng trong năm 2023. Cụ thể, Phát Đạt có kế hoạch triển khai ra thị trường hơn 12.000 sản phẩm đến từ các dự án tại Bình Định, Bình Dương vào cuối quý I/2023 và Bà Rịa Vũng Tàu vào cuối quý II/2023…

Công ty đang đẩy nhanh tiến độ dự án Cadia Quy Nhơn (Bình Định) và sắp đưa vào kinh doanh một dự án khoảng 5.000 căn hộ cao cấp ở Bình Dương và một dự án nghỉ dưỡng ở Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Liên quan đến Bất động sản Phát Đạt, công ty vừa công bố thông tin về việc mua lại trước hạn lô trái phiếu mã PDRH2123009 có tổng mệnh giá phát hành là 150 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm, phát hành ngày 16/12/2021 và ngày đáo hạn là 16/12/2023. Ngày thực hiện việc mua lại trước hạn là 25/11/2022.

Trước đó, ngày 21 và 25/10, Phát Đạt cũng đã thực hiện tất toán trước hạn khoản vay vốn lưu động có giá trị tổng cộng 220 tỷ đồng cho Tập đoàn tài chính Mirae Asset (Hàn Quốc).

Phối cảnh dự án số 197 Điện Biên Phủ, TP HCM.
Phối cảnh dự án số 197 Điện Biên Phủ, TP HCM.

Tính đến ngày 30/9, Phát Đạt có tổng tài sản là 25.797 tỷ đồng; dư nợ vay tài chính ở mức 5.265 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn và tổng dư nợ trái phiếu chiếm lần lượt là 60% và 54% dư nợ vay. Ước tính sau khi tất toán lô trái phiếu PDRH2123009, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp còn 2.698 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PDR trải qua 16 phiên giảm sàn liên tiếp (từ 4/11 đến 25/11). Tính đến hôm nay, doanh nghiệp này đã có ba lần giải trình về việc giá cổ phiếu giảm liên tục.

Theo giải trình của doanh nghiệp, giá cổ phiếu giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn, triển vọng kém tích cực về kinh tế và bị tác động bởi các chính sách kinh tế vĩ mô liên quan đến ngành bất động sản. Đồng thời, nhà đầu tư cổ phiếu PDR có vay ký quỹ bị ép bán giải chấp từ công ty chứng khoán và hiện tượng này vẫn đang tiếp tục xảy ra.

 

Nam Phong

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục