Bão số 3 gần bờ, diễn biến phức tạp và khó lường

(Kinhdoanhnet) - Chiều 17/8, áp thấp nhiệt đới ở bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3, giật cấp 12 hướng vào vịnh Bắc Bộ.

Tin bão gần bờ - Cơn bão số 3

Ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết sáng 17/8 áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc bộ đã tan nhưng chiều 17-8 áp thấp nhiệt đới ở bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3 (tên quốc tế do Trung Quốc đặt là Dianmu - Nữ thần sét).

Bão số 3 gần bờ, diễn biến phức tạp và khó lường - Ảnh 1
Hướng di chuyển của bão số 3

Hồi 04 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 04 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-13 và còn tiếp tục mạnh thêm. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển ngoài khơi phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh. Khu vực Bắc biển Đông tiếp tục có mưa dông và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 

Từ chiều tối nay (18/8), ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-13, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. 

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền nước ta. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động dữ dội. Từ sáng 19/8, bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Quảng Ninh-Nghệ An). Vùng ven biển Hải Phòng-Nam Định có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. Đến 04 giờ ngày 20/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. 

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Bão số 3 diễn biến phức tạp và khó lường

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cơn bão số 3 đang phát triển, tác động rất xấu đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Đây là cơn bão có thời gian hình thành với nhiều yếu tố rất đặc thù và hoạt động khá dài trên vùng biển. Nó được "nuôi dưỡng" bởi các hình thái như rãnh áp thấp, lốc xoáy và tâm bão hình thành từ áp thấp nhiệt đới làm cho "tính khó lường" của cơn bão trở nên rất phức tạp.

Dù đến thời điểm này, hướng đi của bão đã được dự báo, nhưng cơn bão này diễn ra trong bối cảnh vùng chịu tác động trực tiếp đã chịu tổn thất lớn về người, tài sản, sản xuất của 2 cơn bão số 1 và 2, đặc biệt là hiện tượng thời tiết xấu gây mưa nhiều ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc trong 5 ngày qua.

Ứng phó với bão số 3 ở mức cao nhất


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), Nguyễn Xuân Cường yêu cầu "ứng phó với bão số 3 ở mức cao nhất" tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về PCTT bàn biện pháp phòng tránh bão số 3.

Các địa phương cần chủ động ứng phó với bão, tránh tư tưởng chủ quan để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Ông Cường yêu cầu từ 18-8, các địa phương từ bắc vĩ tuyến 17 trở ra phải công bố lệnh cấm biển. Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương thông báo, hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; kiên quyết cưỡng chế, di dời dân sống vùng ven biển ở các chòi, lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn.

Bộ Công Thương chỉ đạo tổng rà soát các công trình điện lưới, công trình hồ, đề ra kịch bản ở các cấp độ khác nhau để có giải pháp đảm bảo nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt. Bộ Công an chỉ đạo, bố trí lực lượng triển khai công tác đảm bảo an ninh ở trong vùng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ cả trước, trong và sau mưa bão. 

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đảm bảo duy trì cao nhất công tác trực ban để chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo, các địa phương về công tác ứng phó với bão số 3.

Các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công tăng cường phối hợp trong công tác phòng tránh và ứng phó với bão. 

Tất cả các địa phương có khả năng ảnh hưởng bởi bão, mưa lớn phải có kịch bản ứng phó, nhất là ứng phó với mưa lớn sau bão. Thực tế cho thấy mưa sau bão thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Mai Anh

(TH theo

Tuổi trẻ, TTXVN, TTDBKT thủy văn trung ương)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục