Báo Mỹ: Trung Quốc xây làng trên lãnh thổ nước khác, còn kêu gọi "phất cao cờ Tổ quốc"

Tờ Foreign Policy của Mỹ vừa đăng thông tin việc Trung Quốc xây dựng một ngôi làng trên lãnh thổ Bhutan, gồm nhiều công trình như một nhà máy thủy điện, một căn cứ quân sự...

Tờ Foreign Policy của Mỹ vừa đăng thông tin việc Trung Quốc xây dựng một ngôi làng trên lãnh thổ Bhutan, gồm nhiều công trình như một nhà máy thủy điện, một căn cứ quân sự...

Báo Mỹ: Trung Quốc xây làng trên lãnh thổ nước khác, còn kêu gọi "phất cao cờ Tổ quốc" - Ảnh 1

Chiến lược có tính khiêu khích nhất

Tháng 10/2015, Trung Quốc công bố một ngôi làng mới với tên gọi Gyalaphug (theo tiếng Tây Tạng) hoặc Jieluobu (theo tiếng Trung Quốc), ở phía Nam vùng Tự trị Tây Tạng (TAR). Tháng 4/2020, Bí thư Đảng ủy khu vực TAR, Wu Yingjie, đi qua 2 ngọn núi, đều cao hơn 4.200m, để đến thăm khu làng mới.

Tại đây, ông nói với người dân địa phương, tất cả là người Tây Tạng, rằng "hãy trồng những nhóm hoa Kalsang ở vùng biên giới" và "phất cao lá cờ Tổ quốc". Đoạn phim về chuyến đi này sau đó đã được phát trên các kênh truyền hình địa phương, cũng như xuất hiện trên các trang nhất của báo chí Tây Tạng. Nhưng những thông tin dạng này đều không được công bố ở ngoài Trung Quốc, giống như hàng trăm ngôi làng khác được xây dựng khắp Tây Tạng.

Báo Mỹ: Trung Quốc xây làng trên lãnh thổ nước khác, còn kêu gọi "phất cao cờ Tổ quốc" - Ảnh 2

Ông Wu Yingjie, đến thăm người dân tại Gyalaphug tháng 4/2020. Ảnh chụp màn hình TIBET DAILY TV.

Tuy nhiên, Gyalaphug có sự khác biệt, bởi ngôi làng nằm trong lãnh thổ của Bhutan. Wu và đoàn quan chức gồm cả cảnh sát và nhà báo đã vượt qua lãnh thổ quốc tế. Họ đứng ở khu vực rộng khoảng 600 km2 mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vào đầu những năm 80 nhưng về luật pháp quốc tế được coi là một phần của tỉnh Lhuntse thuộc phía bắc Bhutan.

Những quan chức Trung Quốc này đã đến đây để chúc mừng thành công, ít được thế giới biết đến, trong việc xây dựng một khu vực sinh sống mới cùng với các nhân viên an ninh và cơ sở quân sự nằm trong khu vực mà cả lịch sử và luật pháp quốc tế coi là thuộc chủ quyền của Bhutan.

Hoạt động này nằm trong chiến lược nhằm củng cố vùng biên giới Tây Tạng và giành ảnh hưởng trước Ấn Độ và các nước khác ở khu vực vùng núi Himalaya.

Trong trường hợp này, Trung Quốc thực chất không cần mảnh đất mà họ đang xây dựng khu làng mới: mục đích chính là buộc chính quyền Bhutan nhân nhượng tại các vùng lãnh thổ khác mà Trung Quốc muốn từ nước này, mà có thể đem lại cho Bắc Kinh lợi thế quân sự trước Ấn Độ.

Gyalaphug hiện là một trong 3 ngôi làng mới, có khoảng hơn 100km đường mới, một nhà máy thuỷ điện, 2 trung tâm hành chính, một trung tâm thông tin, năm trạm kiểm soát quân sự và an ninh, và một công trình được cho là tháp tín hiệu chính, một trạm tiếp nhận vệ tinh, một căn cứ quân sự và nhiều cơ sở khác mà Trung Quốc nói đã xây dựng trong khu vực Lhodrak thuộc TAR nhưng thực chất là khu vực cực bắc của Bhutan.

Báo Mỹ: Trung Quốc xây làng trên lãnh thổ nước khác, còn kêu gọi "phất cao cờ Tổ quốc" - Ảnh 3

Ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng của Trung Quốc ở làng Gyalaphug.

Đây là một phần trong chiến lược có tính khiêu khích nhất mà Trung Quốc từng tiến hành ở khu vực biên giới lãnh thổ từ trước tới nay. Việc tiến hành định cư ở khu vực nằm trong lãnh thổ nước khác vượt quá hoạt động tuần tra và xây dựng các tuyến đường, từng dẫn đến cuộc chiến tranh với Ấn Độ vào năm 1962, các vụ đụng độ vũ trang sau đó vào năm 1967 và 1987, cũng như việc hơn 24 lính Trung Quốc và Ấn Độ thiệt mạng vào năm 2020.

Ngoài ra, điều này còn vi phạm các điều khoản trong hiệp định được kí kết giữa Trung Quốc và Bhutan, cũng như phớt lờ nỗ lực phản đối của người Bhutan kéo dài hàng thập kỉ về những vi phạm dọc khắp biên giới hai bên. Bằng việc áp dụng chiến lược khiêu khích tương tự như Bắc Kinh đã áp dụng trên Biển Đông ở khu vực Himalaya, Trung Quốc đang đặt mối quan hệ giữa nước này và các nước láng giềng ở thế rủi ro, cũng như vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Hoạt động xây dựng của Trung Quốc ngay trong Bhutan, tuy nhiên, lại không nhận được sự chú ý từ cộng đồng thế giới.

Bhutan có lẽ hiểu rõ, cũng như các chính phủ khác trong khu vực cũng biết về hoạt động của Trung Quốc ở phía bắc biên giới Bhutan, nhưng không nắm được toàn bộ tình hình, hoặc cách khác, lựa chọn sự im lặng, tờ Foreign Policy bình luận.

Tuy nhiên, thông tin về những hoạt động này đã xuất hiện dày đặc trên các báo chí Tây Tạng và Trung Quốc, trên mạng xã hội và các tài liệu chính phủ trong nước.

Nhưng có một điểm đáng lưu ý trong đó: họ không bao giờ đề cập rằng những hoạt động xây dựng kể trên, vốn đã được ghi nhận thông qua ảnh vệ tinh, đang diễn ra ở khu vực tranh chấp lãnh thổ, chưa nói đến nằm trong Bhutan.

Trung Quốc đã từng cố gắng xây dựng các con đường nằm trong Bhutan trong quá khứ - nhưng chủ yếu là ở các khu vực phía tây và không mấy thành công. Vào 2017, nỗ lực của Trung Quốc xây con đường dọc cao nguyên Doklam ở tây nam Bhutan, nơi giao cắt với Ấn Độ, qua đó làm dấy lên cuộc đụng độ kéo dài 73 ngày giữa hàng trăm binh lính 2 nước, sau đó Bắc Kinh buộc phải từ bỏ hoạt động kể trên.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không rõ ràng

Tháng 11 năm ngoái, truyền thông Ấn Độ đưa tin một ngôi làng mang tên Pangda đã được Trung Quốc xây dựng ở khu rừng nhiệt đới nằm trong biên giới tây nam Bhutan. (Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc).

Nhưng như những gì một số chuyên gia phỏng đoán, Bhutan đã âm thầm nhân nhượng lãnh thổ trước Trung Quốc nhưng không thông báo điều này với thế giới bên ngoài.

Trường hợp của Gyalaphug, tuy nhiên, còn liên hệ tới mặt khác, đó là một vấn đề nhạy cảm lớn hơn nhiều: đây là khu vực có ý nghĩa tôn giáo cực kì trọng yếu với Bhutan và người dân trong nước.

Khu vực này trước đó được biết đến là Beyul Khenpajong, một trong những nơi linh thiêng nhất tại Bhutan. Ngoài ra Jigme Namgyal, cha của nhà vua đầu tiên của Tây Tạng, được cho đã sinh ở ở khu vực phía đông Beyul, chỉ cách khoảng 120km đường chim bay về phía đông bắc thủ đô hiện giờ của Tây Tạng là Thimphu.

Với ý nghĩa trọng yếu về mặt tâm linh, không quan chức nào của Tây Tạng sẽ có thể chính thức chuyển giao khu vực này vào tay Trung Quốc, giống như việc Anh sẽ không bao giờ từ bỏ Stonehenge hay thành phố Venice đối với nước Ý.

Trước sức mạnh của Trung Quốc, Bhutan có vẻ như đã áp dụng cách mà một chuyên gia về chính trị Bhutan nhận định đó là "im lặng mang tính trật tự". Với vị trí là "nước nhỏ kẹt giữa 2 nước lớn", Tenzing Lamsang cho rằng chiến lược của Bhutan là nhằm "tránh những bước đi không cần thiết gây mất lòng các bên".

Với độ cao khoảng hơn 3.600m, vùng Beyul trong hàng thập kỉ không phải là nơi người dân sinh sống lâu dài, và đến nay vẫn không được đầu tư về cơ sở hạ tầng, ngoài hai ngôi đền đã bỏ hoang trong hàng thập kỉ. Khi tiến vào Beyul từ Tây Tạng, hiện thuộc Trung Quốc, người đi đường sẽ cần vượt qua những ngọn núi cao, điều khó khăn cả với những người leo núi dày dạn.

Vùng đất thứ hai hiện nằm trong kiểm soát của Trung Quốc ở phía bắc Bhutan thậm chí còn cao hơn, thung lũng Menchuma ở độ cao 4.480m. Giống như Beyul, khu vực này nằm bên trong Lhuntse và đến giờ vẫn không có bất cứ hoạt động xây dựng nào tại đây.

Đến nay, toàn bộ thung lũng Menchuma và phần lớn vùng Beyul nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc và trở thành vùng định cư mới. Cả 2 khu vực này chiếm khoảng 1% diện tích lãnh thổ Bhutan.

Tuy nhiên đáng chú ý, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những khu vực này chỉ mới được đưa ra gần đây. Cả Beyul và thung lũng Menchuma vẫn thuộc Bhutan trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc ít nhất là ở thời điểm các năm 80, hay trên bản đồ du lịch và các ấn phẩm liên quan được phát hành ở cuối những năm 90.

Cho đến nay, kể cả các bản đồ được công bố trên cổng bản đồ quốc gia Trung Quốc, tianditu.gov.cn, không thống nhất rõ ràng về phần nào của Beyul là thuộc Trung Quốc và phần nào không.

Trung Quốc vẫn luôn nhắc lại các tuyên bố chủ quyền từ thế kỉ 19 của Nhà Thanh, và sau đó được nhắc lại bởi nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông vào những năm 30, về chủ quyền ở Bhutan và các khu vực khác tại Himalaya.

Tháng 12/1998, Trung Quốc và Bhutan kí kết thoả thuận chính thức và duy nhất giữa hai nước, trong đó, Trung Quốc công nhận chủ quyền lãnh thổ của Bhutan và "sẽ không có hành động đơn phương nào để thay đổi hiện trạng biên giới". Nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng và định cư trong khu vực Beyul và thung lũng Menchuma rõ ràng đã vi phạm thoả thuận này.

Các lợi ích của Trung Quốc ở Beyul không hoàn toàn chỉ liên quan đến mối quan hệ giữa nước này với Bhutan, mà còn là cơ hội để Bắc Kinh tìm kiếm sự cân bằng chiến lược với Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc muốn Bhutan hợp tác toàn diện với Trung Quốc và cho phép nước này có sự hiện diện ngoại giao tại Thimphu. Điều này sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Ấn Độ ở Bhutan, điều mà Bắc Kinh đã phần nào thành công ở Nepal.

Bhutan, tuy nhiên, nhận thức được việc nằm giữa hai cường quốc châu Á, và đã tránh việc mở quan hệ ngoại giao toàn diện với bất cứ nước lớn nào, ngoại trừ Ấn Độ, vốn là đồng minh lâu năm.

Trong quá khứ, việc thôn tính lãnh thổ có vẻ như không mang lại hiệu quả cho Trung Quốc như giải pháp về vấn đề tranh chấp chủ quyền, đặc biệt khi điều đó có liên quan tới các vấn đề về giá trị văn hoá và tôn giáo, như trong trường hợp Tây Tạng. Nếu không thay đổi, quá trình thôn tính hiện tại đối với các vùng Beyul và Menchuma có thể sẽ chỉ khiến Trung Quốc thêm nhiều gánh nặng khi Bắc Kinh mong muốn đưa tầm ảnh hưởng của mình ra ngoài biên giới lãnh thổ.

Minh Khôi

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục