Ngày 22/8, các nhà lãnh đạo Italy, Pháp và Đức có cuộc gặp trên đảo Ventotene, ngoài khơi thành phố Napoli của Italy để thảo luận về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh quyết định rời khỏi khối này (Brexit). Kết quả từ cuộc gặp này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào ngày 16/9 tới.
Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại cuộc họp báo được tổ chức sau cuộc họp ba bên diễn ra trên đảo Ventotene, miền trung Italia, ngày 22-8-2016. (Ảnh: Reuters)
Cuộc họp ba bên giữa Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Ventotene là cuộc hội đàm thứ hai sau khi ba nhà lãnh đạo của ba thành viên sáng lập EU đã gặp nhau tại Berlin hôm 27/6 vừa qua, ngay sau khi cuộc trưng cầu ý dân của Anh về việc rời khỏi khối có kết quả.
Ba nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận những thách thức đối với EU, bao gồm cả cuộc khủng hoảng di cư, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, các mối đe dọa khủng bố, và những phương cách để cải thiện an ninh tại biên giới nội bộ và bên ngoài của Liên hiệp châu Âu.
Đặc biệt, lãnh đạo của ba nước sẽ trao đổi cách thức để ngăn chặn sự leo thang của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và cách thức để tăng cường tính bền vững của khối này.
Việc hoạch định lộ trình có thể làm hài lòng tất cả các nước thành viên EU không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh CH Czech (CH Séc), Hungary, Ba Lan và Slovakia nói sẽ noi gương nước Anh và soạn thảo ra những kế hoạch riêng của họ mà sẽ giảm vai trò trung tâm của EU.
Trong buổi họp báo diễn ra sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Renzi cho biết: "Nhiều người tin rằng Brexit đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của EU. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người Anh, nhưng giờ đây chúng tôi muốn viết nên tương lai của chính mình".
Tổng thống Pháp Hollande cũng khẳng định: “Ý tưởng về một châu Âu phòng thủ đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, vì chúng ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa nội bộ và ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh ở các nước xung quanh".
Trong bối cảnh không còn nước Anh, không còn các quy chế ưu đãi đặc biệt, các nước châu Âu sẽ đưa ra thêm các chuẩn chung về phúc lợi xã hội và thuế quan, đồng thời gắn kết sâu rộng hơn nữa trong an ninh và quốc phòng. Mục tiêu biến châu Âu thành một khối nhất thể hóa hơn nữa về kinh tế và quốc phòng.
Phương Anh (Tổng hợp)