Nguyên tắc 1: Tìm hiểu kĩ điểm đến
Đặt chân đến bất kì địa danh nào, là trong nước hay quốc tế, bạn nên dành thời gian để tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất của nơi mình chuẩn bị đến. Những thông tin cơ bản như khí hậu ra sao, thổ nhưỡng thế nào hay đồ ăn thức uống ở đó có phù hợp hay không… là những điều bạn cần nắm rõ. Kinh nghiệm này có vẻ xưa như trái đất nhưng đôi khi lại bị ngó lơ do chủ quan. Chẳng thế mà có những tình huống cười ra nước mắt xuất phát từ việc không trang bị đủ kiến thức, thông tin trước khi xê dịch. Câu chuyện của gia đình anh Võ Hoàng Nam (Hà Nội) đi Bà Nà Hills vào tháng 4 vừa rồi là một ví dụ.
Lần đầu tiên đặt chân đến “miền tiên cảnh”, lại đi khá gấp nên cả nhà anh Nam cũng chỉ kịp mang quần áo mùa hè. Ban ngày thì không sao, thậm chí cả gia đình vận quần áo mùa hè vẫn còn thấy nóng bởi không khí lễ hội ở khu du lịch này lúc nào cũng cuồng nhiệt và nườm nượp du khách. Ấy thế nhưng khi đêm xuống, Bà Nà mang cái lạnh của sớm mùa đông, đàn ông như anh Nam còn cố vận được quần dài áo cộc dạo mát ngắm cảnh, nhưng vợ anh và hai đứa nhỏ thì chỉ dám chui vào các nhà hàng để tránh lạnh. Vậy là mục đích ngắm cảnh đêm Bà Nà được chuyển đổi thành ngắm nội thất các quán ăn ở Bà Nà. Cũng may là Bà Nà có có những nơi trú ngụ về đêm khá lãng mạn như Beer Plaza, các quán café nằm rải rác ở quảng trường Du Dôme, nếu không, chuyến du lịch 2 ngày trên Bà Nà của gia đình anh Nam cũng dành quá nửa thời gian chỉ để… ở trong phòng.
Ảnh minh họa
Nguyên tắc 2: Đừng tham lam
Có một “lỗi” mà mọi người thường hay mắc phải khi đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài, ấy là tận dụng hết mọi thời gian để khám phá nơi mình đến. Điều này chẳng có gì sai, bởi đâu phải địa danh nào bạn cũng có cơ hội đến nhiều lần. Ấy thế nhưng cũng đừng quá tham lam đi cho bằng hết điểm tham quan, bởi điều đó rất dễ khiến bạn kiệt sức và chuyến du ngoạn trở thành... chuyến đi hành xác.
Lựa chọn một vài địa điểm chủ yếu khi lên lịch trình để dành thời gian tận hưởng, tìm hiểu sâu hơn về những điều thú vị nhất ở đó. Bạn cũng nên phân bổ thời gian di chuyển hợp lý giữa các điểm, để có thêm một hai giờ cho việc mở rộng việc khám phá một số nét đặc sắc mới mà sách vở thông tin tham khảo chưa cập nhật.
Ảnh minh họa
Mai Mai (Sài Gòn) có kinh nghiệm du lịch khá nhiều quốc gia trên thế giới, và bí kíp của cô mỗi lần đến nơi nào đó là hãy đọc toàn bộ thông tin về địa danh, tìm hiểu thật kĩ những thứ cần khám phá và dự tính thời gian dành cho việc khám phá đó. Sau đó, mở rộng dần bán kính khám phá tùy theo thời gian mình thu xếp được. Ví dụ đi du lịch Thái Lan trong 3 ngày, cô dành toàn bộ thời gian chỉ để khám phá Bangkok, thay vì tranh thủ đi cả Pattaya như các bạn của mình. Bởi vậy mà cô dư thời gian để thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp, khám phá ẩm thực phong phú của đất nước triệu voi mà không bị “kiệt sức” vì di chuyển như đám bạn.
Thêm một lưu ý nhỏ nữa, để rảnh tay nhẹ người trong mỗi chuyến đi, đừng “vác theo cả cái nhà”. Chỉ mang những thứ cực kì cần thiết như thuốc men hay quần áo vừa đủ, trừ phi bạn tính đi phượt, ăn dọc đường, ngủ lều trại, còn thì hầu hết các khách sạn hiện nay đều… tiện hơn ở nhà rồi.
Nguyên tắc 3: Không mang đồ ăn khi đi du lịch
Gia đình chị Phương Hoài (Tây Ninh) mãi mới bố trí được chuyến du lịch đến Hạ Long nhân dịp cậu con trai chuẩn bị vào lớp 1. Như bao lần khác, chị Hoài kì công chuẩn bị các món mang theo cho ba bố con trong suốt hành trình, nào xôi, thịt, bánh, sữa… cả một vali chỉ để mang đồ ăn. Sau mấy tiếng di chuyển bằng các loại phương tiện khác nhau, từ máy bay rồi ô tô, hơn nửa số thức ăn chị mang theo đều đã…bốc mùi. Tiếc đống đồ bỏ đi thì ít mà tiếc cả cái công hì hụi nấu nấu nướng nướng chuẩn bị cả mấy ngày trời thì nhiều. Nhưng trong cái rủi có cái may, cũng nhờ vụ hỏng thực phẩm dự trữ ấy mà cả nhà chị được dịp khám phá ẩm thực phong phú của miền di sản. Cuối cùng, chuyến du lịch của gia đình chị còn thành công hơn cả mong đợi, bởi ngoài việc được thỏa sức chơi trải nghiệm thiên đường giải trí mới ở vùng di sản - Sun World Halong Complex, cả nhà chị còn có một “tour ẩm thực” hoàn hảo với những món ngon nhớ đời ở Hạ Long.
Qua rồi cái thời “cơm đùm cơm nắm” trước mỗi chuyến đi. Hành trình du lịch bây giờ không chỉ là vui, chơi mà còn là tận hưởng những “đặc sản” vùng miềntừ bình dân đến cao cấp. Cái thú đó, nếu bỏ qua, coi như chuyến đi mất đi một nửa thú vị.
Không mang đồ ăn, vừa rảnh tay vui chơi, lại được biết thế nào là chả mực Hạ Long ngon nức tiếng, mì Quảng chính hiệu phải thế mới ngon, lại hiểu vì sao đến Huế cứ phải ăn cơm hến… Hà cớ gì phải làm khổ mình, khổ cả nhà khi ì ạch “mang đến lại mang về” cả đống hoa quả, sữa, mỳ, cơm, ruốc…???
PV