Bà chủ Baggit: “Nếu không yêu kinh doanh, đừng nhảy vào!”

Khởi động một doanh nghiệp không phải lúc nào cũng cần đến một kế hoạch rõ ràng, đôi khi sự ra đời của một doanh nghiệp xuất phát từ một lý do hết sức tình cờ. Câu chuyện của bà chủ thương hiệu túi xách nổi tiếng Ấn Độ là một trường hợp như vậy.

Ngẫu hứng khởi nghiệp

Nữ chủ nhân có gương mặt phúc hậu Nina Lekhi đã xây dựng thành công một tập đoàn kinh tế từ phút ngẫu hứng của mình, và sau đó làm ăn trơn tru mà chẳng có tai nạn nghề nghiệp nào đáng phải nhắc tới.

Baggit đang là một trong những thương hiệu túi xách dành cho phụ nữ nổi tiếng nhất tại thị trường Ấn Độ. Sản phẩm của công ty có mặt ở hơn 60 thành phố lớn và bắt đầu bày bán ở Anh.

Bà chủ Baggit: “Nếu không yêu kinh doanh, đừng nhảy vào!” - Ảnh 1
Nhà sáng lập Baggit-Nina Lekhi

Thành công ngày hôm nay, nhà sáng lập công ty có vốn điều lệ 150 triệu USD (tương đương 87,8 triệu bảng Anh) bật mí, có điểm xuất phát là một… thất bại.

Doanh nhân Lekhi tâm sự thật lòng: “Tôi đã thất bại trong năm học đầu tiên ở trường đại học. Tình thật lúc đó tôi hết sức quẫn trí. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, bởi tôi từng là nữ sinh giỏi trong lớp học, là lớp trưởng, và luôn được các giảng viên đánh giá cao, nhưng rồi đột nhiên tất cả mọi thứ trở nên chệch choạc”.

Vốn là người có ý chí vươn lên, Lekhi đã nhanh chóng thoát ra khỏi mớ bòng bong bằng việc chuyển sang học một khóa ngắn hạn về thiết kế và in ấn, trong khi vẫn nỗ lực theo đuổi công việc bán thời gian tại một cửa hiệu ở Mumbai.

Buổi ban đầu, Lekhi chế tác những cái túi xinh xắn bằng cách sử dụng các loại vải bạt và họa lên những hoa văn rực rỡ, và mạnh dạn trình bày ý tưởng cùng những sản phẩm đầu tay của mình cho một chủ cửa hiệu.

Trời không phụ lòng người, những chiếc túi xách xinh xắn của Lekhi đã được những người bán hàng chấp nhận và dần dần trở nên nổi tiếng. Tất nhiên, Lekhi đã phải mất một thời gian dài để quảng bá nó đến tận tay người tiêu dùng.

Lekhi chia sẻ: “Lúc đầu chẳng mấy ai để ý, nhưng sau đó vài người quan sát, tìm hiểu và ngày qua lại, nhiều người trên phố bắt đầu kháo nhau để mua nhiều hơn, nhiều cửa hiệu bắt đầu rỉ tai nhau và số lượng hàng bán ra tăng dần”.

Trên thực tế, thương hiệu lớn đã đến với Lekhi chỉ từ một trò bông đùa. Bà kể lại: “Tôi và người bạn thân khi đó đang ở trong phòng thay đồ sau khi bơi. Hồi đó, bài hát “Beat It” của vua nhạc pop Michael Jackson hết sức nổi tiếng. Vì thế chúng tôi hát ầm ĩ và lần hồi thao thao bất tuyệt khi đề cập đến những cái túi. Chúng tôi đã hát “Túi ơi, túi ời” và sau rồi cái tên thương hiệu đã hình thành”.

Bí quyết thành công

Sau khi đã xác định thương hiệu, Lekhi bắt đầu nghiên cứu xu hướng tiêu dùng. Bà nhận ra rằng đang có một nhu cầu lớn về một sản phẩm túi đa năng. Lekhi đã thử nghiệm với nhiều vật liệu khác nhau, tuyển dụng nhiều công nhân lành nghề để khâu túi xách.

Bà chủ Baggit: “Nếu không yêu kinh doanh, đừng nhảy vào!” - Ảnh 2
Baggit có nhiều cửa hiệu túi xách tại hơn 60 thành phố lớn của Ấn Độ.

Nhưng Lekhi đã đụng phải một trở ngại lớn khi bà cố gắng thành lập cửa hiệu đầu tiên của công ty vào năm 2000. Lekhi phân trần: “Lại một lần nữa thất bại hoàn toàn. Hơn 100% số tiền bỏ ra làm ăn đã mất sạch. Nhưng thương hiệu đã níu kéo tôi không được phép có ý định dừng bước, tôi buộc phải tự thân chứng minh nó”.

Khi kinh tế Ấn Độ tiến triển và phân khúc khách hàng trung lưu ngày càng mở rộng, việc kinh doanh cũng được cải thiện, vì khách hàng đã chịu chi tiền nhiều hơn cho các khoản mua sắm ngoài nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Lekhi cho biết: “Trước đó, phụ nữ đa phần ở nhà và đầu tắt mặt tối dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Giờ đây, người ta muốn ăn ngon, mặc đẹp, đặc biệt là khi họ đứng kế những người phụ nữ khác. Họ so sánh lẫn nhau và ngày càng trở nên thanh lịch hơn”.

Tại Baggit, khi số lượng nhân viên lên hơn 500 người, chủ nhân Lekhi nhận ra rằng mình không thể kham hết mọi việc, và việc quan trọng nhất là phải tập trung vào sáng tạo. Nữ doanh nhân nói rằng bà đã gặp rắc rối trong việc quản lý, nhất là khâu kế toán và các quy trình sản xuất. Và bà đã có quyết định sáng suốt: “Tôi thuê người có chuyên môn để giúp đạt được các mục tiêu đã đề ra của công ty”.

Lekhi dành nhiều thời gian cho yoga và thiền định. Bà cho rằng đó là chìa khóa để tạo nên sự thành công. Với quan niệm ấy, Lekhi yêu cầu các nhân viên của mình phải chăm tập thể dục nhằm tăng tính sáng tạo và hiệu quả trong công việc.

Mỗi tuần, công ty tổ chức một buổi tập yoga kéo dài 1 giờ đồng hồ và một buổi tập thể dục trên tầng mái của tòa nhà công ty cho toàn bộ nhân viên.

Nhưng trên tất cả, bà Lekhi nhìn nhận rằng chính niềm đam mê là thứ đã giúp bà vững bước trên con đường kinh doanh.

Bà chủ Baggit khẳng định: “Điều quan trọng nhất cho bất kỳ ai muốn trở thành doanh nhân là niềm đam mê công việc mà mình đang dấn thân, bởi sẽ có rất nhiều thử thách ở phía trước bạn. Nếu bạn không yêu kinh doanh, đừng nhảy vào!”.

Theo DNSG/ BBC

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục