Theo bộ chỉ số Standard & Poor's Dow Jones, con số 2.080 tỷ USD biến ngày giao dịch 24/6 thành đợt lao dốc chứng khoán trong ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Chứng khoán toàn cầu mất gần 2.100 tỷ USD trong ngày tuyên bố Brexit. Ảnh: Reuters
Cổ phiếu giảm mạnh ở Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) trong ngày 24-6 (giờ điạ phương), với mức giảm dao động từ 7-8%. Chỉ số IBEX và Banco Santander (SAN.MC) của Tây Ban Nha lần lượt sụt mạnh tới 12% và 20%, trong khi chỉ số Unicredit (CRDI.MI) của Ý chốt phiên giao dịch với mức giảm 24%.
Chỉ số Nikkei .N225 của Tokyo chứng kiến đợt tụt giá mạnh nhất từ năm 2011, giảm 7,9%. Chỉ số MSCI của châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm gần 3,4%.
Tại London – Anh, chỉ số FTSE hạ 3,2%. Các nhà đầu tư dự đoán sự giảm giá của đồng bảng Anh có thể mang lại một số lợi ích cho nước này, dù vừa bỏ phiếu rời khỏi EU (Brexit). Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số FTSE đóng cửa ở mức tăng 2%, cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Các ngân hàng lớn của Anh được cho là bốc hơi ít nhất 100 tỷ USD do 3 chỉ số Lloyds (LLOY.L), Barclays (BARC.L) và RBS (RBS.L) đều giảm 30%, dù các ngân hàng này đã cắt lỗ phân nửa sau đó trong ngày.
Ngay sau khi kết quả trưng cầu ý dân cho thấy người dân Anh đã chọn rời khỏi EU, đồng bảng Anh cũng đã sụt giá 10% so với USD, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua, trước khi hồi phục nhẹ ở mức giảm 9,1% vào cuối phiên giao dịch.
Thiệt hại trên được tính toán bằng cách sử dụng chỉ số S&P Global Broad Market, ghi nhận thị trường chứng khoán tại 47 nước. Số tiền bị xóa sổ hôm 24.6 tương ứng với 4,7% tổng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu.
Phương Anh (Tổng hợp)