Ấn Độ khánh thành tháp lọc không khí đầu tiên ở Delhi

Tháp lọc không khí ở Delhi được xây dựng như một dự án thử nghiệm để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí của Ấn Độ.

Tháp lọc không khí ở Delhi được xây dựng như một dự án thử nghiệm để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí của Ấn Độ.

Ấn Độ khánh thành tháp lọc không khí đầu tiên ở Delhi - Ảnh 1

Truyền thông địa phương đưa tin, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã khánh thành tháp lọc không khí đầu tiên của đất nước vào ngày 23/8, với nỗ lực lọc sạch không khí ở thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.

Bằng việc sử dụng 40 chiếc quạt khổng lồ và 5.000 bộ lọc, tòa tháp cao 25 mét sẽ hút không khí ô nhiễm từ trên cao, lọc nó, sau đó thả ra không khí đã lọc ở phía dưới. Theo Indian Express, tòa tháp bao phủ bán kính hơn 1km và lọc khoảng gần 1.000m3 mỗi giây.

Thủ hiến bang Delhi của Ấn Độ Arvind Kejriwal phát biểu trong buổi khánh thành: "Hôm nay là một ngày trọng đại đối với Delhi trong cuộc chiến chống ô nhiễm".

Năm 2019, ông Kejriwal đã gọi New Delhi là "buồng hơi ngạt" do tình trạng ô nhiễm không khí quá mức. Và đó là vấn đề lớn không chỉ ở thủ đô mà trên khắp Ấn Độ. Một nghiên cứu của Lancet thực hiện năm 2020 cho thấy, năm 2019 có 1,67 triệu ca tử vong là do ô nhiễm không khí.

Trong suốt ba năm qua, New Delhi luôn là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, theo báo cáo từ IQAir, một tập đoàn giám sát mức độ chất lượng không khí của Thụy Sĩ. IQAir đo chất lượng không khí dựa trên mức độ ô nhiễm vật chất hạt PM2.5. Chúng bao gồm các hạt bụi mịn con người có thể hít phải, gây viêm phổi, bệnh đường hô hấp và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Theo IQAir, không khí ở New Delhi thường xuyên vượt ngưỡng an toàn tới 20 lần. Các chuyên gia cho rằng thành phố cần ít nhất 213 tháp lọc không khí để giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Đài NDTV cho biết, tòa tháp duy nhất được khánh thành thuộc chương trình thử nghiệm nhằm đánh giá mức độ hiệu quả.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình coi tháp lọc khí hoàn toàn là một sự lãng phí. Họ cho rằng việc hạn chế khí thải mới là giải pháp thực sự của vấn đề. Người đứng đầu Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước Tanushree Ganguly cho rằng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy tòa tháp có thể giảm mức độ ô nhiễm một cách hiệu quả.

Chi phí xây dựng 2 triệu USD cũng là một vấn đề được đặt ra. Ông Dipankar Saha, cựu lãnh đạo Cơ quan Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ, nói với Indian Express: "Delhi cần bao nhiêu tòa tháp khi chi phí đầu tư cao như vậy".

Năm 2018, Trung Quốc cũng đã xây dựng một tháp lọc không khí tương tự. Một tòa tháp lọc khí cao gần 100m ở thành phố Tây An. Các nhà chức trách hiện vẫn đang đánh giá hiệu quả và cho rằng kết quả sơ bộ đầy hứa hẹn.

Theo Insider

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục