Ấn định chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC là thực sự cần thiết

(Kinhdoanhnet) – Theo nhìn nhận của các lãnh đạo nhà băng việc Ngân hàng Nhà nước ấn định số lượng nợ xấu mà mỗi ngân hàng thương mại phải thực hiện bán cho VAMC là thực sự cần thiết để ngân hàng làm sạch được bảng kế toán và đưa được nợ xấu về mức 3% vào cuối năm nay.

Nhằm hoàn thành tốt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới mức 3% vào cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo đó Ngân hàng Nhà nước sẽ ấn định cụ thể số lượng nợ tối thiểu mà mỗi ngân hàng phải thực hiện bán cho VAMC. Trong thời hạn từ giờ cho tới hết ngày 30/9, các ngân hàng phải có trách nhiệm bán hết 100% số nợ xấu được ấn định này.

Số nợ xấu được ấn định sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét ấn định dựa trên cơ sở tổng hợp báo cáo của hệ thống đến cuối năm 2014 và dựa trên quy mô của tổ chức tín dụng đó.

Đánh giá về kế hoạch này của NHNN, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận việc NHNN áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC là điều cần thiết để ngân hàng làm sạch được bảng kế toán và đưa được nợ xấu về mức 3% vào cuối năm nay. Tuy nhiên làm như vậy thì bắt buộc các nhà băng phải công khai số liệu về nợ xấu, đây là điều mà các ngân hàng khá e ngại.

Các ngân hàng cũng đánh giá khá cao về vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu, nếu như không có tổ chức này khi các ngân hàng khó có thể đưa được nợ xấu xuống mức thấp.

“Tuy trách nhiệm xử lý nợ vẫn thuộc về ngân hàng và các ngân hàng phải trích dự phòng 20% hàng năm cho trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC, nhưng thực tế, nếu không bán các khoản nợ xấu cho VAMC, thì các ngân hàng cũng phải trích dự phòng rủi ro theo quy định. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của ngân hàng và khoản nợ xấu vẫn tồn tại trên bảng cân đối của ngân hàng” –  Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ.

Ấn định chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC là thực sự cần thiết
Ấn định chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC là thực sự cần thiết.

Theo công văn gửi các ngân hàng thương mại, NHNN đã nêu rõ các ngân hàng thương mại phải rà soát nợ xấu và đẩy mạnh việc bán cho VAMC. Do vậy, hiện các ngân hàng thương mại cũng đã đẩy nhanh hơn việc bán nợ xấu cho VAMC thậm chí một số ngân hàng đã lên lịch bán nợ xấu cụ thể cho tổ chức này. Cụ thể tại ngân hàng Eximbank, tổ chức này cho biết đã lên kế hoạch bán thêm 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC; OCB bán khoảng vài trăm tỷ đồng nợ xấu; Kienlongbank chỉ bán chưa đầy 100 tỷ đồng; HDBank bán khoảng 100 tỷ đồng và Nam A Bank cũng dự kiến bán nợ xấu ở mức này.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, mặc dù các ngân hàng bán đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC nhưng việc có thể xử lý nợ xấu một cách triệt để hiện vẫn còn khá khó khăn nhất là trong khâu phát mãi tài sản, do vậy trách nhiệm xử lý nợ xấu chủ yếu vẫn thuộc về ngân hàng.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực: “Nếu muốn xử lý dứt điểm nợ xấu thì những gì vướng mắc trong cơ chế xử lý nợ của VAMC phải được giải quyết chứ không thể tắc nghẽn mãi được”.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, thực tế hiện nay các ngân hàng vẫn đang loay hoay không tự xử lý được nên phải bán nợ cho VAMC và trông chờ công ty này xử lý nợ cho họ. Còn VAMC thì lại đang loay hoay làm sao xử lý nợ được cho các ngân hàng. Tuy nhiên tổ chức này lại không thể tự quyết được mà lại đang trông chờ rất nhiều vào cơ chế mới, phù hợp thực tế hơn.

“Chúng ta đưa ra một công cụ đặc biệt mà không đưa ra cơ chế đặc biệt cho họ thì sẽ không thể giải quyết vấn đề đặc biệt như nợ xấu tại Việt Nam”, TS. Hiếu khẳng định.

Còn theo Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho rằng để VAMC hoạt động có hiệu quả hơn Chính phủ nên tạo ra hành lang, cơ chế pháp lý cho VAMC thực thi các nhiệm vụ. Bởi theo ông trong hai năm qua, việc triển khai mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của tổ chức này gặp rất nhiều vướng mắc về xử lý tài sản, quyền định đoạt tài sản, bất động sản; tranh chấp, kiện tụng, luật này vướng luật kia. Thậm chí, có những khoản nợ đã được tòa xử thắng cho chủ nợ, chuyển xuống cơ quan thi hành án mà vẫn tồn đọng. Do đó ông Hùng kiến nghị Nhà nước nên có bộ luật riêng về xử lý nợ xấu cho VAMC thì đơn vị này mới có thể giải quyết dứt điểm được nợ xấu.

Ngọc Anh (TH theo Baodautu; TBNH; VnEconomy)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục