“Nhà của tớ”, resort tự phát ngang nhiên tồn tại
Resort Nhà Của Tớ có địa chỉ tại Thôn Cố Đụng 1, Xã Tiến Xuân, Huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đi từ Big C dọc theo Đại lộ Thăng long là 37km, tương đương với 30 phút lái xe ô tô. Resort này nằm trong quần thể 15.000m2, gồm 9 công trình xây dựng kiên cố gồm nhà điều hành cùng 8 căn biệt thự riêng biệt. Đi kèm 9 kiến trúc này là các công trình tiện ích như: khu vui chơi trẻ em, ao câu cá, khu tiệc nướng ngoài trời, sân bóng đá mini, sân bóng rổ, phòng xông hơi khô, bể bơi vô cực, bể vầy cho trẻ em … Bắt đầu từ đầu năm 2019, trên trang thông tin chính thức của Khu resort luôn thể hiện nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi, khách vào đặt phòng thường xuyên hết chỗ. Với mức giá rất cao (đến thứ 5: 2.590.000 đ/căn còn vào các ngày thứ 6,7, chủ nhật: 3.199.000 đ/căn), resort này thu về hàng chục triệu đồng/ ngày.
Resort Nhà Của Tớ full phòng vào dịp 30/4 - 1/5 vừa qua nhưng chính quyền vẫn cho rằng không có khách lưu trú tại đây
Sẽ là rất bình thường nếu như đây là một Resort tiêu chuẩn, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh Khu nghỉ dưỡng.Luật Kinh doanh Bất động sản được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2014 và các văn bản pháp luật quy định rõ, điều kiện kinh doanh Khu nghỉ dưỡng cần 04 loại giấy phép là: Giấy phép đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận an toàn phòng cháy, chữa cháy, Giấy chứng nhận an toàn an ninh – trật tự, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với những resort kết hợp kinh doanh nhà hàng thực phẩm như của Resort “Nhà của tớ” đang làm). Về các công trình xây dựng trên đất, cần có giấy phép xây dựng, quy hoạch bản vẽ, phương án và thiết bị phòng cháy chữa cháy … Đặc biệt, Khoản 1, Điều 10 của Luật quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”
Resort Nhà Của Tớ tổ chức phục vụ ăn uống cho khách mà không có bất kỳ có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
Làm việc cùng ông Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân thì phóng viên được biết, khu đất này là đất ở và trồng cây lâu năm thuộc quyền sử dụng của bà Phan Thị Th.Ng có địa chỉ tại Cầu Giấy, Hà Nội. Khu đất này được hợp thành từ 04 thửa đất mua lại của người dân có diện tích 9425.3 m2. Năm 2017, bà Ng. đã có đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây lâu năm sang đất ở với diện tích 800 m2/tổng diện tích, được UBND huyện Thạch Thất chấp thuận. Ngày 10/10/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Thạch Thất đã kiểm tra và xác nhận, bà Ng. đã xây 8 công trình kiên cố trên tổng diện tích 567,8m2 trên khu đất.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông Chủ tịch xã không hề biết đây là Khu nghỉ dưỡng đang kinh doanh rầm rộ mà chỉ cho rằng đây là đất tư nhân. Ông Long cho biết đã tổ chức kiểm tra nhiều lần nhưng không thấy khách đến nghỉ (?) mà chỉ có hai người già trông nom, bản thân ông Long cũng chưa được gặp mặt bà Ng. dù đã đề nghị nhiều lần. Như vậy, “Nhà của tớ” chính là một Khu nghỉ dưỡng không có giấy phép, hoạt động “chui” nhưng rất rầm rộ tại Thạch Thất. Điều này mặc định đã đặt những khách hàng của Resort trái phép này vào hoàn cảnh nguy hiểm khi thuê căn hộ nghỉ dưỡng tại đây. Trong trường hợp bị thương vong do cháy, nổ hoặc ngộ độc thực phẩm tập thể, đuối nước tại các hồ nước, hồ bơi … khách hàng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về mình. Bỏ ra một số tiền không nhỏ để nghỉ dưỡng nhưng tràn nguy cơ, khách hàng đang đánh cược mạng sống của chính mình.
Thác Bạc Suối Sao: Khu du lịch hay Khu kinh doanh tâm linh?
Dự án Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao được cấp phép ban đầu vào năm 2002, khi còn chưa tách khỏi tỉnh Hòa Bình, do công ty CP du lịch KOVA làm chủ đầu tư. Quy mô giai đoạn 1 là 59,2ha. Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng giai đoạn 1 từ tháng 6/2007. Năm 2008, KOVA báo cáo và đăng ký mở rộng dự án với quy mô thêm khoảng 200 ha.
Dự án Khu du lịch Thác Bạc Suối Sao do cho Công ty CP Du lịch KOVA đầu tư xây dựng
Đến ngày 21/3/2017, do thay đổi địa giới hành chính, UBND TP Hà Nội có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch Thác Bạc Suối Sao tại xã Yên Trung và Yên Bình, huyện Thạch Thất với quy mô khu du lịch khoảng 233 ha. Trong đó 59,2 ha đất đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2007 cơ bản giữ nguyên, chỉ chỉnh trang, điều chỉnh cục bộ đảm bảo hài hòa cảnh quan xung quanh, khớp nối hạ tầng; 25,9 ha đất xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng, nhà nghỉ sinh thái thấp tầng...; 147,9 ha đất trồng rừng để khai thác môi trường rừng phục vụ du lịch sinh thái. Mục tiêu chính của dự án này là bảo tồn rừng, thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội vùng cũng như huyện Thạch Thất.
Nhiều hạng mục công trình chưa được cấp phép, chủ đầu tư đã ồ ạt xây dựng
Thế nhưng, trong lúc chờ phê duyệt, chủ đầu tư đã vội vàng xây dựng nhiều công trình trên đất rừng. Hình ảnh ghi nhận từ trên cao cho thấy, khu vực rộng hàng trăm ha đang được phân chia thành nhiều khu, xây dựng nhiều công trình kiên cố. Nhiều công trình xây dựng đồ sộ đang hoàn thiện ở giai đoạn xây thô thì bị ngừng thi công; những khu đồi bị chặt hạ cây để lấy mặt bằng xây dựng… Nhiều hạng mục giai đoạn 1 được phá bỏ để thay thế các hạng mục mới.
Đáng ngạc nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy các công trình này đều là các kiến trúc hình dạng đền, chùa tâm linh được xây dựng quy mô lớn, bề thế… Và nếu không có tấm biển “Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao” ở ngay cổng vào, sẽ dễ nhầm tưởng đây là một khu tâm linh đúng nghĩa. Theo người dân địa phương, trước khi dự án này được xây dựng, tại đây không có bất kỳ đền chùa, di tích cũ nào. Toàn bộ đền chùa, tâm linh nói trên đều được chủ đầu tư xây dựng mới hoàn toàn.
Sau khi đặt lịch làm việc với UBND huyện Thạch Thất, chúng tôi không nhận được phản hồi nên cố gắng liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện. Sau nhiều lần liên lạc, ông Hồng đã hứa sẽ chuyển cho phóng viên Báo cáo của UBND huyện gửi Thành uỷ tuy nhiên điều này cũng không xảy ra.
Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm trên, trả lại cho Thạch Thất một không gian du lịch đúng nghĩa, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương nhưng phải gắn với công tác bảo tồn rừng, thiên nhiên.
Theo PV/Kiemsat.vn